

Tôi nghĩ việc có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) là một việc làm tốt và tiến bộ. Những năm qua, rất nhiều người đã mong muốn điều này và phải đến nay nó mới được xem xét, lấy ý kiến.
Có nhiều bộ SGK sẽ thúc đẩy và cổ vũ tính sáng tạo của các nhóm tác giả. Việc này cũng góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục mà nhà nước đang khuyến khích.
Trước đây, phải lấy ngân sách nhà nước để tổ chức viết sách, chưa kể quy trình viết sách cũng có vấn đề, vốn gò bó, không giúp các tác giả phát huy hết khả năng, ý tưởng của mình.
Việc có nhiều bộ SGK sẽ tạo điều kiện cho nhiều (nhóm) người, các tổ chức xã hội, nhà xuất bản, các tổ chức giáo dục… tham gia viết sách và bán sách, do đó sẽ giúp nhà nước tiết kiệm ngân sách, học sinh sẽ được hưởng lợi về giá cả và chất lượng sách.
Một vài ý kiến lo ngại sẽ có sự nể nang, thậm chí “móc ngoặc” để một nhóm tác giả được ưu ái trong sử dụng sách. Tôi nghĩ điều đó không quan trọng lắm vì người đứng đầu ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm về kết quả học tập của học sinh (HS), phải chọn lựa các bộ sách phù hợp.
Luật bản quyền, cơ chế kiểm soát tốt sẽ giúp chúng ta có thể an tâm sử dụng bộ sách phù hợp. Cơ chế thị trường chấp nhận có những (nhóm) tác giả mạnh hơn, biết quảng cáo, tiếp thị để sách đến với nhiều người cũng là điều chấp nhận được.
Tôi nghĩ, không nên quá thận trọng và thực tế đã có rất nhiều vấn đề không thể tránh né. Vấn đề là cơ chế chịu trách nhiệm sẽ bắt buộc những nhà lãnh đạo có các lựa chọn hợp lý cho đơn vị hoặc địa phương mình.
Việc có nhiều bộ SGK cũng làm cho trình độ chuyên môn của người dạy được nâng cao hơn. Ở các nước, giáo viên (GV) và tổ bộ môn có quyền chọn lựa SGK, có trách nhiệm phản biện với hội đồng chuyên môn vì sao sử dụng bộ sách này chứ không phải bộ khác. Hiệu trưởng là người quyết định sau cùng và chịu trách nhiệm chung.
Tuy nhiên, khi chọn SGK, tính nhất quán trong sử dụng sách rất cần thiết, vì vậy trong một đơn vị, nên có sự thống nhất khi sử dụng bộ SGK của (nhóm) tác giả nào cho học sinh của mình. Có thể có hiện tượng khối lớp này học bộ SGK của (nhóm) tác giả này, nhưng khối lớp khác lại học của (nhóm) tác giả khác.
Ở Việt Nam, chúng ta chưa đủ sức để thực hiện được điều đó trong giai đoạn hiện nay, nên cần lưu ý vấn đề này khi sử dụng quá nhiều bộ SGK khác nhau cho cùng một đơn vị.
Có nhiều tiêu chí để chọn lựa SGK như phải đảm bảo chương trình chung quốc gia; phù hợp với trình độ HS và yêu cầu địa phương; đảm bảo tính khoa học và chính xác; dễ hiểu, súc tích, trình bày logic; được cập nhật thường xuyên… Các tổ bộ môn nên thống nhất khi chọn sách cho phù hợp với trình độ HS.
Thành công của việc sử dụng SGK phụ thuộc nhiều vào người dạy. Theo các nghiên cứu của chúng tôi, sự tự chủ trong chuyên môn của giáo viên còn kém, nhiều người chưa dám thể hiện quan điểm của mình vì áp lực của thanh tra, vì nội dung chương trình nặng, nhiều người còn ngại chưa muốn đổi mới.
Để chủ trương trên có hiệu quả, nhà trường cần có chính sách phát triển và bồi dưỡng năng lực đội ngũ GV. Đôi khi, bản lĩnh người thầy còn quan trọng hơn nội dung sách. Người thầy có tính sáng tạo sẽ biết lấy thêm tư liệu từ các nguồn khác, thậm chí một bài, một chương… từ những SGK khác để bổ sung cho bộ SGK mình đang dạy…
TS NGUYỄN KIM DUNG (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục)
Để người thầy có quyền chọn sách
Tôi tán thành chủ trương có nhiều bộ SGK nhưng muốn thực hiện thành công điều này là cả một vấn đề lớn. Đầu tiên, Bộ GD-ĐT phải ban hành một bộ chương trình khung chi tiết, bởi vì bây giờ chỉ có chương trình tổng quát dẫn đến một số khái niệm, ký hiệu của ban cơ bản và nâng cao khác nhau, thậm chí còn mâu thuẫn nhau.
Thử hình dung, bài Hàm số logarit, chương trình tổng quát ghi đại khái: định nghĩa, tính chất, đạo hàm và đồ thị. Như vậy chọn ký hiệu nào, giới thiệu logarit cơ số nào, nêu những tính chất nào…? Nhiều bộ SGK cùng được sử dụng nhưng nội dung các bộ sách phải tương đồng, liên thông nhau, chỉ khác nhau cách trình bày, tiếp cận vấn đề, hệ thống bài tập. Như vậy dù học bộ sách nào vẫn bảo đảm cho HS khi đi thi đều có thể làm bài đạt yêu cầu theo chuẩn kiến thức đã đề ra. Một chương trình THPT tổng quát như hiện nay sẽ gây nhiều khó khăn cho tác giả viết sách và chủ trương nhiều bộ sách sẽ không phát huy hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, cần có một quy chế về viết SGK, trong đó quy định chặt chẽ đối tượng, trình độ nào được viết sách. SGK không được quyền sai nên phải có một hội đồng thẩm định ở các địa phương.
Bộ GD-ĐT không nên “ôm” việc này vì sẽ lo không xuể, lẽ khác bộ đã giao trách nhiệm cho địa phương chọn bộ sách phù hợp. Ở cấp trường, nếu để hiệu trưởng quyết định chọn sách thì không hợp lý. Hiệu trưởng chỉ am tường một môn, những môn khác phải tham khảo ý kiến GV thì sao không giao quyền tự chủ cho người thầy quyết định sẽ dạy bộ sách nào. Hơn ai hết, GV là người nắm rõ năng lực học tập của HS nên sẽ có sự lựa chọn sách phù hợp.
Cuối cùng, tôi muốn lưu ý đến giá cả của SGK. Những năm trước, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm nội dung sách với một quy trình thẩm định sách cồng kềnh và tốn kém và NXB Giáo dục độc quyền phát hành sách. Nhưng chi phí cho việc thẩm định, in ấn không thành vấn đề khi chia ra cho trên hàng triệu bản sách phát hành. Nay, với số lượng in ấn ít, phải qua khâu thẩm định để đảm bảo tính chính xác, thì chắc chắn giá sách sẽ đội lên cao. Do vậy, phải có cơ chế hỗ trợ để giá sách vừa túi tiền HS hoặc có chính sách tặng sách cho HS nghèo, diện chính sách, nếu không sẽ có một bộ phận HS đi học mà không có… sách!
Thạc sĩ VÕ ANH DŨNG (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)