
Ngày 5 – 1, sau hơn một tuần xảy ra cuộc đình công của hơn 30.000 lao động (LĐ) tại các DN FDI ở TPHCM yêu cầu điều chỉnh mức lương tối thiểu, tình hình đã có phần lắng dịu. Mặc dù đã có gần 20.000 LĐ của 3 DN tại KCX Linh Trung 1 và 2 trở lại làm việc, song tính chất phức tạp lại xảy ra khi xuất hiện thêm nhiều cuộc đình công mới tại các KCN của tỉnh Bình Dương và hành vi kích động phá phách tiếp tục tái diễn tại một số DN.
Kiến nghị được đáp ứng nhưng vẫn đình công

Người lao động tại Công ty Yaban Chain đọc thông báo của giới chủ doanh nghiệp đáp ứng những kiến nghị của mình. Ảnh: HOÀI NAM
Sáng 5 – 1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số sở, ban ngành của TP đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Công ty DANU (100% vốn của Hàn Quốc) để xem xét giải quyết các kiến nghị của người lao động (NLĐ).
Để hỗ trợ một phần khó khăn cho NLĐ – trong khi chưa có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức lương tối thiểu, Công ty DANU đã chấp thuận trợ cấp lương cho mỗi LĐ là 100.000 đồng. Một số kiến nghị về trả lương, thưởng Tết, cải thiện điều kiện làm việc… cũng được phía DN cam kết đáp ứng và mong muốn NLĐ sớm trở lại làm việc.
Tuy nhiên, thiện chí này đã không được NLĐ chấp thuận – ngay cả khi Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Huy Cận trực tiếp động viên, giải thích - hơn 1.000 lao động tại đây vẫn bỏ ra về và tiếp tục cuộc đình công.
Tương tự, tại Công ty Giày Hải Vinh, mặc dù lãnh đạo DN quyết định tăng thêm tiền ăn mỗi ngày 3.000 đồng/người và không tăng ca vào ngày thứ bảy và chủ nhật, nhưng 1.100 LĐ tại đây vẫn tiếp tục đình công. Về kiến nghị tăng lương, ông Hà Minh Hải, Giám đốc công ty cho biết, mức lương của NLĐ những tháng qua đều đạt trên 1 triệu đồng/ tháng.

Công nhân tập hợp ý kiến để kiến nghị với chủ doanh nghiệp.
Mặc dù tình hình sản xuất của những tháng cuối năm có khó khăn, song công ty vẫn cam kết sẽ tăng lương cho NLĐ ngay sau khi Chính phủ có quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu.
Tại các KCN Sóng Thần 1, 2, Đồng An của tỉnh Bình Dương, trong ngày 5 – 1 đã xảy ra 6 cuộc đình công. Tại Công ty TNHH YABAN Chain, sau khi xảy ra đình công, lãnh đạo DN đã có thông báo tạm thời cho NLĐ nghỉ đến 8 – 1 và được hưởng nguyên lương, song hơn 300 LĐ tại đây đã có hành động ném đá, lật đổ cửa chính và đe dọa hành hung bảo vệ.
Sẵn sàng trả lương theo điều chỉnh mới
Theo ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý các KCX - KCN TPHCM (HEPZA), hiện các DN đều sẵn sàng tăng lương cho NLĐ theo quyết định của Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu. Ông Hòa cho biết: Chiều ngày 5 – 1, LĐLĐ TP và Công đoàn HEPZA đã có cuộc họp với gần 100 chủ tịch công đoàn các DN trong KCX Tân Thuận để bàn biện pháp ngăn ngừa đình công xảy ra và vận động, giải thích để NLĐ không nghe theo lời xúi giục của những phần tử quá khích.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Tại sao NLĐ lại chọn hành động trái pháp luật để đòi hỏi quyền lợi hợp pháp cho mình? Phải thấy rằng đình công bất hợp pháp không chỉ làm ảnh hưởng môi trường đầu tư của đất nước, mà lợi ích trực tiếp của chính NLĐ cũng bị thiệt thòi. Con đường tốt nhất để bảo vệ lợi ích hợp pháp của NLĐ phải là những hành động không trái với pháp luật. Nếu DN sản xuất bị đình đốn, lợi ích bị xâm phạm, việc làm không bảo đảm, thử hỏi đời sống và thu nhập của NLĐ có được giữ vững? Lãnh đạo TP kêu gọi NLĐ tại các DN hãy bình tĩnh, không nên có những hành động gây phương hại đến lợi ích của nhà nước, của DN và của chính NLĐ. |
Phạm Hoài Nam
Thông tin liên quan:
Kiên quyết xử lý những hành vi quá khích
Đình công tại Công ty Freetrend
Công nhân Kollan đình công đòi tăng lương
Hơn 300 công nhân may Chi Lan đình công