Nhiều dự án luật “phát sinh”

Nhiệm vụ xây dựng pháp luật từ nay đến hết năm 2018, đặc biệt là việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 tới đây là vô cùng lớn, trong khi đó có những hạn chế, yếu kém đã tồn tại nhiều năm nhưng chậm được khắc phục.

Sáng 8-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị.

Theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 22 dự án luật và cho ý kiến về 3 dự án luật.

Đến nay, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 3/6 dự án thuộc chương trình thông qua, cho ý kiến về 6/12 dự án luật thuộc chương trình cho ý kiến.

Tuy nhiên, hiện đang phát sinh một khối lượng lớn các dự án luật được Chính phủ, các ĐBQH, các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung, gồm: các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền giao trong các văn bản cụ thể; các dự án có nhu cầu bức thiết đáp ứng yêu cầu, khắc phục những bất cập, cản trở để thúc đẩy sự phát triển của đất nước; các dự án cần thiết đã được nhiều ĐBQH và cử tri đề xuất từ Kỳ họp thứ 3; các dự án cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Quốc phòng (sửa đổi) hoặc liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, đầu tư công.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, nhiệm vụ xây dựng pháp luật từ nay đến hết năm 2018, đặc biệt là việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 tới đây là vô cùng lớn, trong khi đó có những hạn chế, yếu kém đã tồn tại nhiều năm nhưng chậm được khắc phục.

“Ngay trong việc lập dự kiến chương trình, nhiều bộ, ngành vẫn chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, lúng túng khi thực hiện hoặc đưa ra những kiến nghị chưa thực sự có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn. Để bảo đảm tiến độ các dự án, Ủy ban Pháp luật đã có rất nhiều văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình năm 2017 nhưng nhiều cơ quan vẫn không thực hiện đúng yêu cầu”, ông Định nêu rõ.

Các đại biểu dự hội nghị cũng thẳng thắn công nhận, về phía các cơ quan của Quốc hội, vẫn còn tình trạng thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình, còn nể nang, ngại va chạm, tính phản biện chưa cao.

Trong khi đó, việc cho ý kiến về các vấn đề lớn, phức tạp còn ý kiến khác nhau của các dự án luật tại Kỳ họp của Quốc hội còn hạn chế; thời gian thảo luận tại Phiên họp của UBTVQH còn ngắn, vẫn còn trường hợp đưa vào phiên họp các dự án được chuẩn bị gấp gáp, không bảo đảm tiến độ.

Đặc biệt, cần bàn thảo kỹ, xác định những dự án luật cần thiết sửa đổi hoặc ban hành mới để đáp ứng nhu cầu bức thiết, khắc phục ngay những bất cập, cản trở đối với sự phát triển của đất nước. Khi trình dự án luật dẫn đến phải sửa đổi, ban hành mới các đạo luật khác thì phải có đánh giá thận trọng, kỹ càng và có giải pháp thực hiện bảo đảm tính khả thi, thống nhất, tránh tình trạng đề xuất việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản nhưng không đủ cơ sở, không bảo đảm đầy đủ hồ sơ đề xuất theo quy định.

Tin cùng chuyên mục