Theo EVNHCMC, khách hàng lắp đặt ĐMTMN có thể đầu tư bằng nhiều hình thức, như tự bỏ vốn đầu tư hoặc được vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư. Đặc biệt, khách hàng có thể hợp tác với các nhà đầu tư, cho nhà đầu tư thuê mái nhà để khai thác tiềm năng của ĐMTMN.
Sự vào cuộc quyết liệt của TPHCM và ngành điện
Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, TPHCM là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao. Đi kèm với sự phát triển là nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm hộ gia đình, thương mại và công nghiệp. Bên cạnh đó, sự biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính do tác động của thời tiết nắng nóng và việc sử dụng các thiết bị điện lạnh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường ngày của các hộ gia đình, các phương tiện giao thông, trung tâm thương mại… đã làm cho lượng điện tiêu thụ gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Điều này ảnh hưởng đến chi phí của các hộ gia đình, doanh nghiệp (DN). Trước thực trạng trên, EVNHCMC đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường vận động hiệu quả hơn công tác lắp đặt ĐMTMN.
Theo PGS-TS Võ Viết Cường (Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM), năm 2017, công suất điện mặt trời tại Việt Nam đã đứng đầu các loại nguồn lắp đặt mới khác, cao gần gấp đôi điện gió. Cách đây 10 năm, đầu tư điện mặt trời khoảng 5USD/W, còn bây giờ chỉ 0,21-0,23USD/W, chi phí đầu tư giảm hơn 20 lần. 80 năm nữa, điện mặt trời thay thế đến 70%-80% nhu cầu điện thế giới. Điện mặt trời có khí thải, nhưng so với nguồn năng lượng chúng ta đang dùng nó giảm đến 90%, nghĩa là chỉ có 10% khí thải. Ngoài ra, theo PGS-TS Võ Viết Cường, cũng không cần lo ngại việc những tấm panel hư bỏ vứt ra bãi rác sẽ gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, thế giới có đầy đủ công nghệ để bóc tách tái chế, xử lý đến tận cùng những gì khoa học đã tạo ra. Nhà cung cấp tấm panel phải có trách nhiệm thu về và xử lý, nếu không thu về sẽ bị phạt. Việt Nam cần tham khảo cách làm của các nước để đưa ra quy định chuẩn bị cho tương lai xa hơn. Nhà máy tái chế tấm panel này hiện đang hoạt động 4%-14% tổng công suất lắp đặt, nhưng nó sẽ tăng mạnh trong tương lai gần vì tốc độ phát triển điện mặt trời. |
Theo đó, thực hiện Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền và khuyến khích khách hàng sử dụng điện lắp đặt điện mặt trời, EVNHCMC đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường vận động hiệu quả hơn công tác lắp đặt điện mặt trời. Trong đó đã phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM, Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TPHCM triển khai các hoạt động tuyên truyền điện mặt trời trong các KCX-KCN; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với nhà cung cấp giải pháp điện mặt trời để triển khai các gói sản phẩm ưu đãi đến các DN, khách hàng sử dụng điện.
Đặc biệt, so với chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM giai đoạn 2015-2020 là năng lượng tái tạo phải đạt 1,75% công suất hệ thống, kết quả thực hiện đến nay đã đạt xấp xỉ 2%, tương đương 100MW (đốt rác phát điện khoảng 5MW, còn lại là ĐMTMN). Tính đến hết tháng 5-2020, toàn thành phố có 7.341 công trình với tổng công suất lắp đặt 94,49MWp. Lượng điện năng phát lên lưới từ năm 2017 đến nay là 33,33 triệu KWh (chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng), trong đó có 102 dự án ĐMTMN có công suất từ 100-1.000KWp đã đấu nối vào lưới điện thành phố, với tổng công suất 37,23MWp. Với tiềm năng phát triển hệ thống ĐMTMN hơn 6.000MWp, khách hàng được hỗ trợ từ những gói vay ưu đãi, Nhà nước thiết lập được cơ chế hỗ trợ tốt hơn… thì chúng ta sẽ đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030-2045, trong đó tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện đạt tối thiểu 15% (tương ứng trên 1.000MWp vào năm 2025 và từ 1.330MWp vào năm 2030).
Nhận định về hướng phát triển, ông Kiên khẳng định, các dự án ĐMTMN đang bước vào giai đoạn tăng tốc với nhiều ưu đãi lớn cùng sự vào cuộc quyết liệt từ chủ đầu tư và điện lực thành phố. Ngành điện luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho phát triển điện mặt trời và khi các cơ chế chính sách phù hợp đi vào hoàn thiện thì ĐMTMN sẽ phát triển rất nhanh, mạnh trong thời gian tới. Chỉ trong thời gian 2-3 tháng xây dựng, hệ thống sẽ được đưa vào sử dụng ngay và thời gian hoàn vốn từ 5-6 năm. Đây là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư cũng như nhà sản xuất đang có mái nhà xưởng bỏ không.
Đa dạng phương thức đầu tư
Trong nhiều giải pháp đầu tư hỗ trợ khách hàng, Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) đã đưa ra nhiều phương thức. Theo đó, đối với khách hàng là DN có diện tích mái 1.000-3.000m2 có thể lắp đặt được 100-300kWp. Hình thức đầu tư này DN tự chủ toàn bộ hệ thống và DN đầu tư 100% giá trị hệ thống, chi phí đầu tư 17-20 triệu đồng/kWp. Lợi ích từ việc đầu tư trực tiếp sẽ tiết kiệm được hơn 400 triệu đồng/năm (đối với 100kWp), tiết kiệm hơn 800 triệu đồng nếu đầu tư khoảng 300kWp.
Trước đó, EVNHCMC cũng vừa ký kết với 3 nhà cung cấp giải pháp năng lượng điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà, gồm: Công ty Đầu tư phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa, Công ty CP VES và Công ty CP Năng lượng TTC để ghi nhớ hợp tác phát triển điện mặt trời tại TPHCM. Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, trên cơ sở ký kết, EVNHCMC sẽ phối hợp với nhà cung cấp triển khai các hoạt động thiết thực để khuyến khích người dân và DN quan tâm, sử dụng điện mặt trời. Từ các chương trình ưu đãi được đưa ra, sẽ có nhiều người dân và DN được sử dụng nguồn điện xanh và sạch với chi phí hợp lý, thủ tục đấu nối thuận tiện, tiết kiệm chi phí điện, đồng thời góp phần xây dựng TPHCM thực sự là đô thị thông minh, có môi trường xanh - sạch - đẹp. Theo nội dung được ký, các đối tác của EVNHCMC sẽ đưa ra những chương trình ưu đãi cho khách hàng như: đối với hộ gia đình, công suất lắp đặt từ 20kWp trở xuống sẽ được giảm trực tiếp chi phí 615.000 đồng/kWp; đối với cơ sở kinh doanh, thương mại dịch vụ, khi lắp hệ thống công suất trên 20kWp sẽ giảm trực tiếp 400.000 đồng/kWp, cơ sở đang sử dụng hệ thống trên 30kWp sẽ được tặng gói “đảm bảo hiệu quả vận hành và quản lý”; cam kết sản lượng điện đầu ra cho khách hàng dân dụng... Những thông tin cụ thể được thông báo trên website: evnhcmc.vn |
Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, quản lý dự án của Công ty SolarBK, SolarBK còn đưa ra phương thức đầu tư ESCO (SolarESCO), nghĩa là cùng đầu tư với DN, góp vốn 70%-100%. Theo đó, SolarESCO sẽ chịu mọi trách nhiệm về thiết kế, thi công, lắp đặt toàn bộ hệ thống và bảo trì vận hành hệ thống. Tuy nhiên, DN này phải có diện tích mái 3.000-10.000m2. Sau một thời gian hợp tác, SolarESCO sẽ bàn giao lại cho DN.
Còn Công ty CP VES lại đưa ra chính sách ưu đãi cho cán bộ, công nhân ngành điện, theo đó, đơn vị sẽ giảm 3%-5% giá trị trên hợp đồng đối với khách hàng và hỗ trợ vay vốn lên đến 70%. Tương tự, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cũng đưa ra 3 gói giải pháp cho khách hàng, gồm: Khách hàng đầu tư 100% giá trị; TTC song hành hợp tác cùng khách hàng (TTC sẽ bán lại điện cho khách hàng với giá thấp hơn EVN và khách hàng sẽ sở hữu hệ thống, sau khi hết thời gian thuê); khách hàng cho TTC thuê lại cơ sở hạ tầng, sau đó khách hàng cũng được sở hữu hệ thống ĐMTMN sau khi hết thời gian cho thuê.
Ngoài ra còn một giải pháp khác khá tối ưu đối với khách hàng, đó là hợp tác cùng Công ty cổ phần Tài chính Điện lực. Cụ thể, đơn vị này hỗ trợ khách hàng vay tới 70% tổng mức đầu tư hệ thống và không quá 12 triệu đồng/kWp, thời gian vay tối đa 7 năm.
Riêng với Ngân hàng Phát triển TPHCM (HDBank) có chính sách cho vay 70% chi phí lắp đặt đối với khách hàng DN và cá nhân, với tài sản đảm bảo chính là hệ thống điện mặt trời áp mái. Theo đại diện của HDBank, tính đến tháng 3-2020, ngân hàng này đã cấp tín dụng cho nhiều dự án điện mặt trời áp mái trên cả nước, với số tiền là 1.200 tỷ đồng. Còn theo đại diện Công ty cổ phần Tài chính Điện lực, công ty này đưa ra gói tài chính thiết kế riêng cho khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, với mục tiêu giải ngân 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2022.