Tại buổi làm việc, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhận định, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã có nhiều tác động tích cực đến thực tiễn hoạt động tôn giáo.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận thấy có một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhiều luật khác về đất đai, xây dựng, cư trú, y tế, giáo dục…
Một số khái niệm trong luật (như chức sắc, chức việc, tổ chức tôn giáo trực thuộc, địa điểm hợp pháp…) dễ gây hiểu nhầm, khó áp dụng, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân chức sắc tôn giáo trong việc đăng ký sinh hoạt và thực hiện các thủ tục hành chính đối với cơ quan nhà nước các cấp.
Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc xác định căn cứ pháp lý để giải quyết việc xây dựng chùa chiền. Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Quốc hội khảo sát toàn diện, cụ thể, chính xác tình hình thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ở các địa phương trên cả nước, từ đó kiến nghị sửa đổi những nội dung còn bất cập, thiếu thống nhất, đồng bộ của luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của các tổ chức tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.
Trong thời gian chờ đợi sửa đổi, bổ sung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo có văn bản hướng dẫn cụ thể một số nội dung của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là những nội dung liên quan đến Luật Đất đai, quản lý sử dụng tài chính của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, phát triển du lịch tâm linh, tổ chức lễ hội, vấn đề bảo tồn di tích hài hòa với nhu cầu của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo...