Cách làm hiệu quả của quận Thủ Đức

Để tiến hành công tác giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KN-TC) đến cư dân xã, phường theo Đề án 1-1133, quận Thủ Đức (TPHCM) đặc biệt quan tâm việc xây dựng lực lượng cán bộ chuyên trách, tuyên truyền viên.
Cách làm hiệu quả của quận Thủ Đức

Để tiến hành công tác giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KN-TC) đến cư dân xã, phường theo Đề án 1-1133, quận Thủ Đức (TPHCM) đặc biệt quan tâm việc xây dựng lực lượng cán bộ chuyên trách, tuyên truyền viên.

Với việc niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính, chính quyền phường Hiệp Bình Chánh tạo thuận lợi cho người dân giám sát, ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu

Xây dựng lực lượng nòng cốt

Nói về việc thực hiện Đề án 1-1133, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, tiết lộ “bí quyết”: Hoạt động giáo dục, phổ biến pháp luật KN-TC trên địa bàn quận Thủ Đức đã được cụ thể hóa về nội dung, đa dạng về hình thức và phương pháp tuyên truyền, nên bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực trong truyền thụ các kiến thức pháp luật KN-TC đến mọi tầng lớp nhân dân. Bước đột phá bắt đầu từ đội ngũ cán bộ cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật. Khi đã xây dựng được lực lượng nòng cốt đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, sẽ nhanh chóng đưa kiến thức pháp luật KN-TC lan tỏa xuống địa bàn, đến từng người dân.

Ngay khi bắt tay thực hiện Đề án 1-1133, quận Thủ Đức đã lên chương trình, kế hoạch cụ thể và dồn sức thực hiện khâu trước tiên là xây dựng lực lượng nòng cốt có tâm, có tài, để làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đối tượng được chọn là  lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể của quận; các phòng ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc quận; cán bộ, công chức Ban Tiếp công dân của quận và cán bộ tư pháp của UBND 12 phường trên địa bàn quận. Bước tiếp theo là trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền cho lực lượng chủ lực này. Quận đã tổ chức 18 buổi sinh hoạt nghiệp vụ, trang bị kiến thức cho các cán bộ tham gia; tập trung các kiến thức về Luật KN, Luật TC, Luật Tiếp công dân, Quyết định 07/2014 và Quyết định 12/2014 của UBND TPHCM về quy trình giải quyết KN-TC trên địa bàn. Tiếp đó, các cán bộ, tuyên truyền viên này trở thành lực lượng nòng cốt đưa kiến thức pháp luật đến người dân ở địa bàn dân cư.

Chính quyền 12 phường ở quận Thủ Đức đồng loạt triển khai những nội dung cơ bản của Luật KN, Luật TC đến ban điều hành khu phố, tổ dân phố và đến người dân trên địa bàn các phường. Ở mỗi phường, tùy theo tình hình dân cư để có cách tuyên truyền hiệu quả nhất, như tổ chức nói chuyện, thi tìm hiểu pháp luật, hay thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ. Kết quả thu được khá ấn tượng, các phường đã tổ chức 39 buổi nói chuyện pháp luật, với trên 2.900 lượt người tham dự. Đã có 12 cuộc thi kiến thức pháp luật ở 12 phường, với 360 thí sinh tham dự. Ngoài ra còn có 388 buổi phát thanh tuyên truyền vể pháp luật.

Giúp người dân thực hiện quyền KN-TC

Khi kiến thức pháp luật của cán bộ cơ sở và cư dân được nâng lên, năng lực tiếp công dân, giải quyết KN-TC của cán bộ chính quyền được nâng lên, người dân thực hiện quyền KN-TC đúng pháp luật. Điều này thể hiện rõ qua việc số đơn thư KN-TC vượt cấp có chiều hướng giảm xuống. Hầu hết các vụ KN-TC mới phát sinh đã cơ bản được giải quyết tại cơ sở cấp cơ sở. Các điểm nóng về KN-TC trên địa bàn quận Thủ Đức như giải tỏa đền bù tại dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, Đại học Quốc gia… đã có dấu hiệu giảm xuống. Vài năm nay, trên địa bàn quận không phát sinh thêm điểm nóng KN-TC đông người.

Từ thực tiễn thực hiện Đề án 1-1133, UBND quận Thủ Đức đúc kết bài học kinh nghiệm: Để công tác giáo dục, phổ biến pháp luật KN-TC mang lại hiệu quả thiết thực, chính quyền các cấp từ quận đến phường phải chăm lo nâng cao chất lượng tuyên truyền viên, có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên những người làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, nâng cao kỹ năng tuyên truyền miệng cho tuyên truyền viên pháp luật và những người được mời phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở.

Cùng với việc xây dựng lực lượng nòng cốt, quận Thủ Đức xây dựng, duy trì hoạt động các câu lạc bộ pháp luật và mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật ngay tại khu dân cư, nơi có đông công nhân lưu trú, nhằm chuyển tải thông tin pháp luật nói chung và pháp luật KN-TC đến từng người dân. Chính quyền phối hợp tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý cho nhân dân, đặc biệt là tư vấn pháp luật cho người dân ở những nơi có dự án thu hồi đất, để giúp người dân giải tỏa bức xúc. Nhờ vậy, những mâu thuẫn trong tranh chấp dân sự, cụ thể là ở lĩnh vực đất đai, thu hồi, bồi thường về đất đã được xử lý tại gốc.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục