Việc cho thuê mặt bằng làm bến xe Thành Bưởi là trái phép

Việc cho thuê mặt bằng làm bến xe Thành Bưởi là trái phép

Những ngày đầu năm 2016, việc dẹp bến cóc, xe dù tại đường Lê Hồng Phong và các tuyến đường lân cận đã được các cấp chính quyền địa phương chấn chỉnh khá kiên quyết. Các hãng xe tư nhân đang hoạt động tại tuyến đường này đã có nhiều giải pháp để thực hiện chủ trương “không dừng, không đậu trên đường”. Các phòng bán vé được dọn dẹp ngăn nắp để dành chỗ đậu xe trung chuyển 16 chỗ.

Riêng nhà xe Thành Bưởi đã thuê mặt bằng trống của Công ty cổ phần Giày Sài Gòn (số 419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10) để làm bến xe đưa rước khách. Dư luận phản ánh khá gay gắt về việc nhà xe này lập bến xe tự phát, đưa xe khách hơn 30 chỗ ra vào, lưu thông trên tuyến đường Lê Hồng Phong gây mất trật tự địa bàn.

UBND quận 10 tiếp nhận thông tin và lập đoàn kiểm tra. Qua đó, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm. Đó là việc Công ty cổ phần Giày Sài Gòn đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thành Bưởi cho thuê một phần nhà xưởng, sân bãi có diện tích khoảng 1.750m² (và sau đó là hợp đồng hợp tác kinh doanh) để kinh doanh bãi xe, vận chuyển khách và hàng hóa.

Bến xe Thành Bưởi vẫn còn hoạt động tại khu đất thuê lại của Công ty cổ phần Giày Sài Gòn. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Việc Công ty Giày Sài Gòn cho thuê mặt bằng này làm bến xe có hợp pháp không? Cách nay gần chục năm, UBND TPHCM có quyết định chấp thuận cho Công ty Giày Sài Gòn được tiếp tục sử dụng gần 11.000m2 đất tại số 419 Lê Hồng Phong để làm văn phòng, nhà kho, nhà xưởng sản xuất giày, túi xách. Thời hạn thuê đất đến hết ngày 31-12-2020. Cuối năm 2007, Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng cho doanh nghiệp này thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hợp đồng quy định giá trị quyền sử dụng đất thuộc về nhà nước và Công ty Giày Sài Gòn phải quản lý sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật đất đai, không được chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Do vậy, việc Công ty Giày Sài Gòn cho thuê lại một phần diện tích tại khu đất này là sai phạm quá rõ ràng.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch UBND quận 10, cho biết: “Công ty Giày Sài Gòn đã vi phạm Luật Đất đai và Nghị định 102 của Chính phủ, sai phạm trong việc sửa chữa, xây dựng sai phép, sử dụng sai mục đích. Chúng tôi đã yêu cầu Công ty Giày Sài Gòn ngưng việc cho thuê mặt bằng sai quy định, cũng như Công ty TNHH Thành Bưởi phải ngưng hoạt động tại khu đất này”.

Từ năm 2009, tại khu vực này, UBND quận 10 đã ký quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư liên phường, gồm các phường 2, 3, 4, 9, 10 và 11. Khu đất tại số 419 Lê Hồng Phong được quy hoạch với chức năng là đất công nghiệp sạch. Theo một diễn biến khác, UBND TPHCM đã ký quyết định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 xây dựng quận 10 đến năm 2020; theo đó, trên địa bàn quận không quy hoạch bến bãi giao thông vận tải.

Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Đức Trọng cho biết: “Cả một thời gian dài Công ty Giày Sài Gòn hoạt động không hiệu quả. Chúng tôi đã không ít lần tham gia giải quyết các bức xúc của người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp này. Chính vì những sai phạm kể trên và thực trạng sản xuất trì trệ, đình đốn của doanh nghiệp, chúng tôi đã đề xuất với UBND TPHCM thu hồi lại khu đất này để xây dựng trường trung học cơ sở, giải quyết tình hình thiếu trường, lớp tại khu vực liên phường”. Việc tạm ngưng hoạt động bến xe và thu hồi mặt bằng đang chờ quyết định của lãnh đạo TPHCM.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục