“Nhốt” khí thải CO2

Các nhà khoa học cho biết thế giới đang đi đúng hướng nhằm “nhốt”, tức lưu trữ, lượng carbon dioxide (CO2) để đáp ứng một số mục tiêu mà các chuyên gia khí hậu đặt ra nhằm giảm tác hại của sự nóng lên toàn cầu.

Phân tích mới từ Imperial College London cho thấy thế giới cần 2.700 Gigatonnes (Gt) không gian lưu trữ CO2 đủ để đạt được các mục tiêu mà Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đưa ra. IPCC là cơ quan khoa học và kinh tế của Liên hiệp quốc đánh giá tác động cũng như tương lai rủi ro của biến đổi khí hậu cùng với các lựa chọn để ứng phó và giảm thiểu.

Theo các nhà nghiên cứu, con số này ít hơn nhiều so với ước tính trước đó của các chuyên gia trong ngành, theo đó cần không gian chứa CO2 lên đến hơn 10.000 Gt trên toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ ra rằng, chỉ việc đáp ứng các yêu cầu thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu khí hậu và cần được kết hợp với các biện pháp can thiệp khác như sử dụng năng lượng sạch cũng như tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Quá trình CCS bao gồm 3 bước chính: thu giữ CO2 tại nguồn, nén để vận chuyển và sau đó bơm sâu vào một khối đá tại một địa điểm an toàn và được lựa chọn cẩn thận, nơi nó được lưu trữ vĩnh viễn.

Ngoài ra, các khu rừng nhiệt đới trên thế giới có thể hấp thụ CO2 từ khí quyển đang giảm, điều mà hàng thập niên trước các nhà nghiên cứu đã cảnh báo. Điều này làm tăng gánh nặng trong CCS, một trong những biện pháp chính được IPCC khuyến nghị trong việc giữ nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C. Các nhà nghiên cứu đã kết hợp dữ liệu 20 năm tăng trưởng trong CCS và nhận thấy đã có sự gia tăng 8,6% công suất CCS trên toàn thế giới trong 2 thập niên qua.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Christopher Zahasky, hiện là trợ lý giáo sư tại Đại học Wisconsin-Madison, cho biết: “Gần như tất cả các con đường để hạn chế sự nóng lên dưới 20C cần hàng chục Gt CO2 được lưu trữ mỗi năm. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi không biết liệu các mục tiêu này có thể đạt được hay không hoặc các mục tiêu này liên quan đến các yêu cầu không gian lưu trữ dưới mặt đất như thế nào”.

Mặc dù được công nhận toàn cầu là một công nghệ quan trọng trong cuộc chiến biến đổi khí hậu, sự hấp thụ thị trường đối với CCS vẫn chậm: chỉ có 51 cơ sở CCS quy mô lớn trên toàn cầu (19 hoạt động, 4 đang được xây dựng và 28 trong các giai đoạn phát triển khác nhau). Công nghệ của CCS đi kèm với một mức giá hơi cao và một số dung môi hiện có trên thị trường không đặc biệt thân thiện với môi trường.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nếu thế giới đáp ứng Thỏa thuận Paris và tất cả các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến năng lượng thì khoảng 2.000 cơ sở CCS cần được vận hành vào năm 2040, giúp giảm 7% lượng khí thải tích lũy.

Tuyên bố gần đây của Chính phủ Anh dành 800 triệu bảng để có ít nhất 2 cụm công nghiệp hoạt động vào năm 2040 với công nghệ CCS mới nhất thể hiện sự cam kết với tiến trình cắt giảm khí thải theo Hiệp định Paris. Rõ ràng là một công nghệ lưu trữ CO2 ở quy mô phù hợp sẽ là một công cụ thay đổi cuộc chơi.

Tin cùng chuyên mục