Vừa có thêm một tư liệu lịch sử mang tính cá nhân về cuộc chiến tranh tại Việt Nam trong những năm từ 1960 - 1970 và điểm tạo nên sức hấp dẫn cho tư liệu này là những bức thư tình của anh Trần Phương Thạc gửi người yêu Phương Trang. Đặc biệt, quyển sách “Những bức thư tình thời chiến” được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết lời giới thiệu: “Vốn là bạn bè với anh chị Phương Thạc - Phương Trang, tôi rất cảm phục trước mối tình của họ”.
Trần Phương Thạc sinh năm 1939, tại Quảng Trị, lớn lên tại Hà Nội, từng giữ chức Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Trưởng ban Cán sự Đảng ngoài nước, Tham tán - Bí thư Đảng ủy nước CHXHCN Việt Nam tại LB Nga. Ông mất tại LB Nga vào tháng 7-2000.
“Những bức thư tình thời chiến” của anh Thạc viết cho người yêu khiến người đọc hình dung được cuộc sống, tình yêu và những suy nghĩ của một thanh niên thuộc thế hệ chống Mỹ cứu nước. Lẽ ra, những bức thư này sẽ được ngủ yên cùng thời gian, nhưng theo chị Phương Trang - vợ anh Thạc (Chánh văn phòng Hội Sử học Việt Nam), cuốn sách này có được là nhờ một người bạn từ Quảng Trị gọi cho chị xin tư liệu về anh Thạc. Chị Trang đã ấp ủ ý định viết về chồng từ lâu nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào. Trong quá trình tìm tư liệu, chị nảy ra ý định tập hợp những bức thư và những tư liệu để in một cuốn sách kỷ niệm về người chồng quá cố của mình.
So với những suy tư của anh lính Nguyễn Văn Thạc trong “Mãi mãi tuổi 20”, và những trăn trở của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, những bức thư tình thời chiến có vẻ bình dị, đời thường hơn và cũng vì thế mà sức lan tỏa, thẩm thấu của nó vào đời sống hôm nay cũng trầm tĩnh hơn. Trong con mắt những bạn bè thân thiết với người viết, những bức thư tình này làm sống lại trong họ những năm tháng khốc liệt của chiến tranh mà họ từng qua, làm sống lại những tình cảm trong sáng mà thiêng liêng của một thời mà ở đó, tình cảm đất nước, gia đình, bạn bè, người yêu hòa quyện với nhau không thể tách rời. Như nhà sử học Dương Trung Quốc, bạn học của chị Phương Trang, nhận xét: “Cuốn sách này gợi lại những kỷ niệm đối với lớp người này hoặc gợi ra những khám phá đối với lớp người khác về một thời đã qua. Nó sẽ lưu dấu trong ký ức những người từng trải”.
Với những người trẻ tuổi hôm nay, nếu họ đã đón nhận những dòng nhật ký của anh Nguyễn Văn Thạc và của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm với tất cả sự trân trọng, lòng mến phục thì với những trang thư tình của anh Trần Phương Thạc cũng mang lại cho họ rất nhiều suy tư.
Quỳnh Trâm, sinh viên Đại học KHXH-NV Hà Nội, nói: “Tôi đọc cuốn sách nhỏ này và rất xúc động trước tình cảm đẹp đẽ của những người yêu nhau thời ấy. Họ không toan tính, không vụ lợi và lúc nào cũng cùng nhau nhìn về một hướng. Đó cũng chính là điều mà lớp trẻ chúng tôi ngày nay cần phải suy nghĩ”.
Nguyễn Thu Hà, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ: “Dù đã đọc nhiều câu chuyện tình yêu trong chiến tranh nhưng quả thật những bức thư tình của anh Trần Phương Thạc vẫn mang lại những cảm xúc rất riêng, lay động nhẹ nhàng mà sâu lắng. Dù ở thời nào, chiến tranh hay hòa bình thì một tình yêu đẹp đều cần sự chân thành, những suy nghĩ tốt đẹp về nhau và lòng tin tưởng tuyệt đối vào người mình yêu”.
Qua những lá thư tình, người đọc thấy một tình yêu khá điển hình của thời chiến, đó là sự chia xa của một nữ sinh viên và một chàng trai quyết dứt bỏ giấc mộng giảng đường đại học để ra đi vì lý tưởng. Mối tình ấy đã được thử thách qua nhiều năm tháng khốc liệt của chiến tranh và như chị Phương Trang đã nói: “Chúng tôi thật là may mắn so với nhiều người khác, bởi cuối cùng chúng tôi cũng có ngày đoàn tụ”. Những bức thư tình ấy đã hoàn thành sứ mệnh tình yêu của mình và sống yên ả trong ký ức của những người trong cuộc suốt mấy chục năm hậu chiến. Nhưng đến hôm nay, những bức thư ấy lại bắt đầu một hành trình mới, đó là tiếp tục sống để khơi dậy những tình cảm tốt đẹp trong mỗi con người.
MINH HẢI – BÍCH QUYÊN