Chi nhánh 716 Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn có 52km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. 12 đội sản xuất của chi nhánh hình thành 6 thôn nằm dọc vành đai biên giới thuộc xã Ia Dal (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum). Điều đặc biệt là người dân trong thôn cũng là công nhân của chi nhánh, nhiều đội trưởng kiêm luôn trưởng thôn. Bằng sự nỗ lực của cá nhân và những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, các hộ gia đình ở đây đã đi từ không đến có, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Chiều muộn, tại thôn 6 xã Ia Dal, trong những căn nhà khang trang, bếp bắt đầu đỏ lửa, mùi cơm mới thơm phức. Anh Quách Công Quản chia sẻ: “Vợ chồng tôi ở Thanh Hóa, vào làm công nhân Chi nhánh 716 từ năm 2012, hiện đang nhận chăm sóc, khai thác gần 13ha cao su. Thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm. Gia đình cũng mua và làm thêm được 3ha điều, dự kiến cho quả vào năm tới”. Ngồi cạnh chồng với nụ cười luôn thường trực trên môi, chị Đào Thị Hoài tâm sự: “Trước khi vào đây, vợ chồng tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ cuộc sống nơi đây lại tốt như vậy. Điện lưới, trường học, bệnh xá, đường nhựa đều có hết, nhà ở của công nhân cũng được chi nhánh làm cho. Bà con trong thôn đều là người của chi nhánh nên luôn đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau”.
Chị Cút Thị Mai và gia đình là người dân tộc Khơ Mú, rời quê hương Nghệ An vào làm công nhân Đội 8 Chi nhánh 716 từ năm 2017, đến nay cuộc sống đã ổn định. Chị kể: “Vợ chồng tôi nhận chăm sóc, khai thác 6 vườn cây, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra gia đình còn được cấp một thửa ruộng trong cánh đồng lúa nước rộng hơn 10ha do chi nhánh khai hoang để trồng lúa, bảo đảm nguồn lương thực tại chỗ. Hàng tháng tiết kiệm được gần 10 triệu đồng. So với ngày ở quê, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, thì thu nhập thế này là quá mỹ mãn với vợ chồng tôi”.
Thiếu tá Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc Chi nhánh 716, cho biết: “Với chủ trương phát triển cây cao su đến đâu, xây dựng các thôn làng đến đó, đơn vị đã hình thành nên các cụm điểm dân cư dọc trên vành đai biên giới tỉnh Kon Tum. Đây sẽ là làng xã chiến đấu, mà ở đó mỗi công nhân, người lao động là một chiến sĩ, một “cột mốc sống”. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang tạo thành thế trận phòng thủ liên hoàn bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.