
"Tôi yêu mến Tây Nguyên như là quê hương thứ hai của mình vì trong từng nắm đất bazan có xương máu của đồng đội tôi. Họ đã ngã xuống trong chiến dịch đánh chiếm Buôn Ma Thuột”. Đại tá Lê Mạnh Hùng Đoàn trưởng Đoàn Đặc công M98, bằng giọng trầm trầm như cơn gió lùa qua rừng đại ngàn, nói với tôi.

Đại tá Lê Mạnh Hùng
Tôi bồi hồi nghe anh kể chuyện 30 năm trước ngày mà đại tá Hùng mới mang hàm thượng úy và là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Đặc công 198. Đêm 9 rạng ngày 10-3-1975, anh chỉ huy 46 chiến sĩ đại đội 2 với nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và cũng vô cùng quan trọng: đánh chiếm khu kho Mai Hắc Đế ngay trong thành phố Buôn Ma Thuột. Kho Mai Hắc Đế là “bao tử”, chứa mọi lương thực, vũ khí của Tây Nguyên. Chiếm được khu kho này sẽ tạo thêm cơ sở vật chất như súng đạn, lương thực… cho chiến dịch phát triển đánh tiếp vào sào huyệt địch. Chính vì quan trọng như vậy nên địch tổ chức tuần tra canh gác rất nghiêm ngặt.
Ngoài cả chục lớp rào bằng dây kẽm gai, còn có một hàng rào bằng tôn, leo không được mà vượt qua cũng không được, trong khi đèn lúc nào cũng thắp sáng như ban ngày, lô cốt lính canh thì dày đặc. Vào trận, anh cho các chiến sĩ kiên trì đào ngách để lèn người qua. Bất ngờ, từ một lô cốt, địch hờ cơ quăng lựu đạn ngay chỗ các chiến sĩ đang tiến vào, làm một chiến sĩ hy sinh tại chỗ, binh nhất Sơn bị đứt lìa một chân, quằn quại trên vũng máu.
Đại tá Hùng không bao giờ quên được hình ảnh thương tâm này cũng như tinh thần dũng cảm của người thương binh. Nước mắt đầm đìa, anh ôm Sơn vào lòng, thầm thì: “Sơn ơi, em mà lên tiếng rên la là tất cả đều chết hết”. Sơn không nói nên lời vì quá đau, chỉ trợn mắt, cắn răng gật đầu cho các chiến sĩ chuyển về tuyến sau, không hề có một tiếng rên nhỏ.
Sau khi các chiến sĩ đã vào trót lọt hết, đúng giờ G, anh ra lệnh cho chiến sĩ Thăng Quang Hoa khai hỏa bằng quả đạn B40 trúng thẳng vào chiếc xe thiết giáp của địch đang tuần tra. Bên kia sân bay Hòa Bình, Thiếu tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc công 198 Trần Kình nghe tiếng pháo hiệu, cũng hô lệnh tấn công. Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột mở màn.

Ông Trần Kình.
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc công 198 Trần Kình nay đã 82 tuổi. Ông ra quân năm 1976 với quân hàm trung tá. Mắt đã mờ, tay đã run, nhưng đầu óc ông vẫn còn minh mẫn.
Tôi gặp ông tại nhà riêng khi ông đang mở chiếc rương kỷ niệm của cuộc đời binh nghiệp mà ngày xưa ông luôn mang theo bên mình, nay ông đựng không biết bao nhiêu bằng khen, huân chương và những vật kỷ niệm của đồng đội nay đã ra đi: Những tấm ảnh đã phai màu, chiếc khăn quàng cổ sờn rách, những lá thơ viết chưa xong, chưa kịp gởi…
Ông kể lại chuyện 30 năm về trước: “Tôi chỉ huy 2 tiểu đoàn Đặc công 27 và 5 làm mũi nhọn khoét sâu vào sân bay Hòa Bình. Điều khó khăn nhất của tôi là làm sao từ 22 giờ đến 24 giờ ngày 10-3-1975 phải đưa 600 chiến sĩ của 2 tiểu đoàn vào vị trí chiến đấu ngay trong sân bay. Nếu bại lộ, mũi tiến công này khó bảo toàn lực lượng, ảnh hưởng lớn đến toàn chiến dịch.
Bằng vào mưu trí, dũng cảm mà 600 chiến sĩ đã luồng sâu vào lòng địch an toàn, nổ súng đúng giờ, đúng vị trí. Đây là trận đánh vô cùng quyết liệt với Sư đoàn 23 của ngụy. Có 20 chiến sĩ hy sinh oanh liệt. Ông nhấn mạnh: Nếu không giữ vững trận địa này, thì toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền sẽ tập trung hết vào sân bay Hòa Bình, tạo thành một cứ điểm mới và chúng sẽ có điều kiện cho phi cơ oanh tạc, gây thiệt hại lớn cho lực lượng ta.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC