Niềm tin chiến thắng

Chưa bao giờ, cả hệ thống chính trị của đất nước, toàn dân, toàn quân đồng lòng, dốc sức để đối phó với một thứ thiên tai, dịch bệnh như hiện nay. 

Trước dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, tại cuộc họp của Bộ Chính trị về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 20-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần tính toán phương án, có giải pháp cho lâu dài, tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch; kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm, ưu tiên tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”; đặc biệt là “tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn” với những kết quả đạt được thời gian qua.

Chưa bao giờ, cả hệ thống chính trị của đất nước, toàn dân, toàn quân đồng lòng, dốc sức để đối phó với một thứ thiên tai, dịch bệnh như hiện nay. Lực lượng y tế khắp nước căng mình xét nghiệm, điều trị, hướng dẫn người dân phòng chống dịch; lực lượng quân đội ngày đêm bảo vệ các tuyến đường biên, thực hiện công tác cách ly; chính quyền các địa phương lo đủ vật chất, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch và thực hiện các biện pháp chặt chẽ, hạn chế lây lan; các nhà khoa học chủ động vào cuộc tìm kiếm, nghiên cứu các bộ kít thử virus và hướng sản xuất vaccine; hệ thống ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bớt khó khăn; nhiều doanh nghiệp ban hành chính sách giảm tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ các đối tác kinh doanh; nhà hàng, quán bia, câu lạc bộ sẵng sàng đóng cửa khi có nguy cơ…

Với đa số người dân, chưa bao giờ ý thức về trách nhiệm cộng đồng cao như hiện nay khi hầu hết đều ý thức đeo khẩu trang, hạn chế bắt tay, tụ tập đông người để giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm bệnh; mọi người đều ý thức được việc “nên ở yên tại chỗ”, để giúp công tác khoanh vùng, phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất. Trong bối cảnh tác động của internet, chưa bao giờ mạng xã hội diễn ra sâu sắc, đa chiều như hiện nay. Cùng với đó, doanh nghiệp và người dân cả nước đã chia sẻ khó khăn với Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 bằng những việc làm cụ thể. Chỉ sau 2 ngày kêu gọi, tổng số tiền và hiện vật mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là hơn 300 tỷ đồng. Cũng chỉ sau 2 ngày phát động, tổng số tiền mà người dân ủng hộ qua đường nhắn tin thuê bao di động cũng đạt gần 50 tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng ngàn tổ chức, cá nhân đã ủng hộ bằng nhiều hình thức khác nhau, như: tặng khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn… Để từ đó, Chính phủ, các cơ quan chức năng có nguồn lực, điều kiện tăng cường đối phó với dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất.

Trong tuần qua, hàng chục ngàn sinh viên, lưu học sinh, người lao động, Việt kiều ở nước ngoài đã về Việt Nam để “tránh dịch”, khi mà tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở khu vực châu Âu. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cơ quan chức năng Việt Nam đã gồng mình để thực hiện phân loại, xét nghiệm, thực hiện cách ly các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Đã có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, khẳng định: Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào.

Chính sự nhân văn, “nghĩa đồng bào” và cách tiếp cận dịch Covid-19 từ sớm, phòng chống quyết liệt, đồng bộ, nên cho đến tối 22-3, dù nằm trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng số ca nhiễm bệnh ở Việt Nam chỉ ghi nhận 113 người và chưa có ai tử vong vì dịch Covid-19. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn xã hội, Việt Nam đã kiểm soát tốt và không để bùng phát dịch trong thời gian qua, được Tổ chức Y tế thế giới thừa nhận. Việc thực hiện cách ly thành công xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) và khu phố Trúc Bạch ở Hà Nội mới đây là minh chứng rõ ràng. Tất cả 189/189 người dân của 66 hộ gia đình thuộc diện phải cách ly ở phố Trúc Bạch vì liên quan đến bệnh nhân thứ 17, đã được xét nghiệm ít nhất hai lần, kết quả đều âm tính; sức khỏe của người dân hoàn toàn ổn định và tối 20-3, toàn bộ khu vực này đã kết thúc cách ly. Đó là những lý do, cơ sở vững chắc để tin rằng, dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam sẽ chiến thắng và có mức thiệt hại tối thiểu do dịch Covid-19 gây ra.

Tin cùng chuyên mục