Nỗi đau từ cái rạch oan nghiệt

Tang tóc bỗng nhiên ập xuống khu phố 5 P.Tân Thuận Đông Q7 TPHCM vào một ngày đầu tháng 6, khi 4 đứa trẻ gồm 2 trai 2 gái bị chết đuối dưới con rạch bị bỏ hoang. Tai ương này bắt nguồn từ sự nghịch ngợm vô tư của trẻ thơ là được vùng vẫy dưới nước và được tắm mát trong những ngày hè oi bức. Nhân lúc trời mưa và khi người lớn không để ý, 4 em nhỏ này rủ nhau đi tắm, rồi vĩnh viễn rời xa tuổi thơ trong sáng. Nhìn những thi thể bé bỏng của các em vụt tắt như ánh sao đêm, khiến nước mắt của người thân lẫn xóm làng, thầy cô giáo rưng rưng, đau đớn!

Câu hỏi khiến người còn sống, nhất là cha mẹ của các em cứ ray rứt, nghẹn ngào: giá như họ để mắt đến con cái, giá như đừng có cái rạch oan nghiệt ấy, giá như các em được cảnh báo không được tắm ở cái nơi nguy hiểm… Nỗi đau vì những rủi ro, tai nạn vào mùa hè này lại một lần nữa nhắc chúng ta - những bậc phụ huynh hãy quan tâm đến con em mình hơn nữa.

Bởi lẽ, những câu chuyện đau lòng về hiện tượng trẻ chết đuối tập thể ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn dày đặc trên các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây. Cụ thể trong tháng 4-2008, có 1 học sinh lớp 6 Trường THCS Cát Tường (huyện Phù Cát Bình Định) bị chết đuối khi cùng mấy bạn học đến một cái ao ở làng để tắm.

Trong lúc ngụp lặn, học sinh nam xấu số này đuối sức và chìm dần xuống đáy ao, cứu ứng không kịp. Đau đớn hơn là vụ chết đuối tập thể xảy ra ở đập thủy lợi Đắc Rla (tỉnh Đắc Lắc) khiến 2 học sinh Trường THCS Quang Trung bị chết đuối; vụ 6 nữ sinh ở Trường THCS Plei Kần thị trấn Ngọc Hồi (Kon Tum) ra sông PôKô tắm và chết đuối vì gặp dòng nước chảy xiết. Chỉ trong vòng 3 ngày cuối tháng 5-2008, ở tỉnh Hà Tĩnh có đến 8 học sinh ở thị trấn Phố Châu và huyện Hương Sơn bị chết do nước cuốn vì tắm ở đập.

Còn rất nhiều câu chuyện thương tâm về tai nạn chết đuối khác, mà nạn nhân là các em học sinh ở độ tuổi trên dưới 10 tuổi (học cấp 2) xảy ra ở các vùng quê, vùng sâu vùng xa - nơi ít có điều kiện vui chơi giải trí an toàn. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tần suất chết đuối đối với trẻ em VN là 22,6%, chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Chết đuối là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất đối với trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm 70%). Theo UNICEF, mỗi năm ở VN có khoảng gần 13.000 trẻ em chết đuối (bình quân mỗi ngày có 35 trẻ em chết đuối) vì tự do tắm biển, sông suối, ao hồ.

Đây là con số đáng suy ngẫm đối với các bậc phụ huynh và ngành giáo dục. Vì thế, ngoài sự quan tâm, quản lý chặt chẽ giờ giấc, sinh hoạt vui chơi của con em mình ở mỗi gia đình, ngành giáo dục – đào tạo cần phải đưa vào môn học chính khóa kỹ năng bơi lội cho học sinh. Song song đó, nhà trường và gia đình phải phối hợp để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng sống, tự bảo vệ và phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc như chết đuối, bị lạm dục tình dục, bị lôi kéo vào những hành vi xấu trong xã hội như hút chích ma túy, mại dâm… Xin đừng để những thiên thần bé nhỏ tội nghiệp phải sớm ra đi chỉ vì các em thiếu hiểu biết, không được người lớn giáo dục và trang bị những kỹ năng sống cần thiết… 

HÀ KHANH

Tin cùng chuyên mục