Theo đánh giá của các chuyên gia, sự thiếu hụt nguồn nhân lực ATTT cũng như nhận thức chưa thực sự đầy đủ của cá nhân, tổ chức về ATTT đã vô tình tạo ra các điểm yếu để các sự cố hàng ngày vẫn xảy ra trong các hệ thống thông tin Việt Nam. Theo đó, hơn 90% sự cố mất ATTT xảy ra là do yếu tố con người. Nỗi lo về sự thiếu hụt, chất lượng nguồn nhân lực ATTT không đảm bảo đang trở nên hiện hữu khi nói về việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam.
Theo Ban Điều hành đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (Đề án 99) do Bộ TT-TT chủ trì, trong giai đoạn 2014 - 2017, đã cử được 91 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về ATTT ở nước ngoài, đạt 21,7% mục tiêu đặt ra đến năm 2020. Trong đó có 63 tiến sĩ (đạt 63% mục tiêu đặt ra đến năm 2020), 18 thạc sĩ. Về đào tạo ngắn hạn, trong giai đoạn 2014 - 2017, đã có 128 lượt cán bộ được cử đi đào tạo ở nước ngoài và 4.600 lượt cán bộ làm về ATTT và CNTT tại các cơ quan nhà nước được tập huấn, đào tạo ngắn hạn, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng.
Theo thống kê của Đề án 99, giai đoạn 2014 - 2017, đã có 953 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ về ATTT tốt nghiệp (đạt 47,6% mục tiêu đặt ra đến năm 2020). Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTT (Bộ TT-TT), nhận định: “Đối với nhiệm vụ này, dự kiến đến năm 2020, việc hoàn thành mục tiêu đặt ra về số lượng là khả thi. Tuy nhiên, chất lượng đầu ra là yếu tố quan trọng cần quan tâm”.
Một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai Đề án 99 là nguồn lực tài chính. Cụ thể, trong giai đoạn 2014 - 2017, tổng kinh phí được cấp mới chỉ chiếm khoảng 20% - 25% tổng mức kinh phí dự kiến. Trong 3 năm còn lại rất khó bố trí đủ kinh phí. Từ góc độ của doanh nghiệp đã đồng hành cùng Ban Điều hành Đề án 99 từ những ngày đầu, Phó Chủ tịch Bkav Ngô Tuấn Anh đánh giá, Đề án 99 là một đề án có kết quả đạt được thể hiện rất rõ, hiệu quả tốt trong mảng ATTT. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu đào tạo nhân lực ATTT trong xã hội vẫn rất lớn, không chỉ riêng của cơ quan nhà nước mà cả những ngành, lĩnh vực có các hệ thống thông tin lớn như ngân hàng, tài chính, hàng không… Vì thế, theo ông Ngô Tuấn Anh, Đề án 99 cần bổ sung đối tượng đào tạo. Cùng với đó, tìm cách xã hội hóa ATTT, giúp đào tạo ATTT hiệu quả và cần quan tâm đào tạo ATTT theo nhu cầu thực tế.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mục tiêu của Đề án 99 về số lượt cán bộ chuyên trách ATTT đi đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài để phù hợp với tình hình hiện nay. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TT-TT rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình bố trí dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 99, gồm các nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT, được triển khai theo hình thức lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án đào tạo khác. Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với Bộ TT-TT tiếp tục triển khai lồng ghép các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình nghiên cứu về ATTT, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về ATTT trong các nhiệm vụ KH-CN. Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam nghiên cứu, đề xuất cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin để triển khai các nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ATTT tại Việt Nam…
Đúng như các chuyên gia đã khẳng định, việc phát triển đội ngũ nhân lực ATTT cả về số lượng lẫn chất lượng được xem là nhiệm vụ quan trọng số một hiện nay đối với Việt Nam. Nhân lực cần liên tục được thực hành, cọ xát thực tiễn mới có thể đáp ứng trước những thay đổi về công nghệ và những nguy cơ, rủi ro mất ATTT không ngừng phát sinh. Nếu không có nguồn nhân lực đủ và đạt yêu cầu thì mối nguy về mất ATTT đến từ CMCN 4.0 với chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… đáng lo hơn rất nhiều.