Nỗi lo xuất phát từ Mỹ

Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang là chủ khoản nợ 2.320 tỷ USD tiền trái phiếu của Mỹ, trong đó Trung Quốc với 1.280 tỷ USD. Con số này trên thực tế có thể cao hơn khi tính cả các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cổ phiếu Mỹ qua các trung gian.

Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa và không thống nhất được mức trần nợ công với Quốc hội càng kéo dài thì hai chủ nợ này như ngồi trên lửa. CNN dẫn lời Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu thúc giục Mỹ sớm tìm ra giải pháp nhằm đảm bảo “sự an toàn của các khoản đầu tư Trung Quốc” cũng như ổn định nền kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói rằng “Mỹ phải tránh tình huống không thể trả nợ và xếp hạng tín dụng rớt xuống mức AAA. Mỹ phải nhận thức đầy đủ rằng nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính”.

Trong năm 2011, cũng do tranh cãi về mức trần nợ công giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ, xếp hạng tín dụng Mỹ rớt khỏi mức AA+ xuống AAA khiến thị trường thế giới một phen chao đảo, may mà sau đó hai bên đã đạt được thỏa thuận vào giờ chót. Nên nhớ rằng trái phiếu của Chính phủ Mỹ là trụ cột của thị trường tài chính thế giới.

Lần này, sau khi Chính phủ Mỹ bước vào tuần lễ thứ hai buộc phải nghỉ làm, thời hạn chót để giải quyết mức trần nợ công mới vào ngày 17-10 lại sắp đến. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết, nếu Hạ viện Mỹ không thông qua được mức trần nợ công trước ngày 17-10 thì Chính phủ Mỹ sẽ chỉ còn chừng 30 tỷ USD tiền mặt, chỉ đủ chi tiêu trong nửa ngày. Nhật Bản và Trung Quốc lo ngại trong bất kỳ tình huống nào họ cũng dễ bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chính trị tại Mỹ. Nếu cuộc khủng hoảng kéo dài, USD trượt dốc đồng nghĩa với việc giá trị số cổ phiếu do hai nước này nắm giữ “bốc hơi”. Hoặc nếu USD tăng giá, họ cũng mệt vì xuất khẩu gặp khó khăn.

Vậy nguy cơ vỡ nợ tại Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản? Trong trường hợp này, họ sẽ tìm cách bán tất cả các tài sản bằng USD mà họ sở hữu, kéo USD giảm mạnh. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể bù đắp vào tác động này bằng cách nâng lãi suất trong nước nhưng mặt khác, Mỹ sẽ hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang nhiều nước. Đó sẽ là niềm ao ước từ bấy lâu của các nhà xuất khẩu Mỹ nhưng lại là tai họa cho các nước khác xuất khẩu hàng vào Mỹ. Vì vậy, có thể trước mắt, Nhật Bản và Trung Quốc không dại gì bán tống bán tháo trái phiếu Mỹ nhưng có thể họ sẽ dừng mua thêm và chuyển hướng sang đa dạng các loại cổ phiếu của nhiều nước khác.

Nhưng điều đó sẽ là kế hoạch dài hạn. Theo tờ South China Morning Post, nếu đến ngày 17-10 chưa có mức trần nợ công mới, FED phải cắt giảm chi tiêu tới mức tối đa, như thế các khoản trả lương sẽ bị chậm lại. Tuy nhiên, FED vẫn đảm bảo thanh toán lãi suất cho các trái phiếu đến hạn thanh toán ở mức 51 tỷ USD từ đây đến cuối năm, trong khi mỗi ngày, FED thu về từ 15 tỷ đến 30 tỷ USD tiền thuế.

Vì vậy, Nhật Bản và Trung Quốc trước mắt không lo ngại về số trái phiếu khổng lồ của Mỹ mà họ đang sở hữu. Vấn đề đáng lo hơn là khi người dân Mỹ thắt hầu bao, xuất khẩu của Nhật Bản và Trung Quốc vào Mỹ sẽ thật sự khó khăn.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục