(SGGP).- Hàng loạt bức xúc, vướng mắc liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), cách tính thuế thu nhập cá nhân… đã được nêu ra tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM ngày 16-3.
Bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty Cao su Hòa Thuận, đơn vị đang bị nợ tiền hoàn thuế gần 40 tỷ đồng hơn một tháng, kiến nghị Bộ Tài chính nên có quỹ hoàn trả lãi vay cho doanh nghiệp khi cơ quan thuế chậm hoàn thuế. “Công ty bị nợ tiền hoàn thuế rất khó khăn, đến mức phải vay nợ, cầm cố tài sản. Đến hẹn, ngân hàng thúc công ty trả nợ. Chẳng lẽ chúng tôi cầm cố với ngân hàng bằng quyết định hoàn thuế? Luật đã ban hành nhưng chưa được thực thi nghiêm túc. Doanh nghiệp chậm nộp thuế thì bị áp mức phạt theo ngày, vậy trong trường hợp cục thuế chậm hoàn tiền cũng nên có cách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp”, bà Trần Lệ Thu bức xúc.
Trước những bức xúc của doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thuế, ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế - Cục Thuế TPHCM, khẳng định: “Lãnh đạo cục thuế vừa thông báo chậm nhất hết tuần sau doanh nghiệp có quyết định hoàn sẽ được hoàn thuế VAT. Mong rằng các doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất. Việc chậm hoàn thuế là yếu tố khách quan, chúng tôi hoàn toàn không muốn. Mong doanh nghiệp thông cảm”.
Ngoài vấn đề “nóng” về hoàn thuế, hàng loạt doanh nghiệp khác còn nêu ra những vướng mắc về thuế thu nhập cá nhân. Liên quan đến vấn đề đài thọ các chi phí ăn ở, đi lại cho chuyên viên nước ngoài, đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Đồng Khởi, quận 1, TPHCM) hỏi: “Công ty có đối tác nước ngoài, mong muốn mời chuyên gia của họ qua Việt Nam hỗ trợ, tư vấn trong một số sự kiện bán hàng và không tính thù lao. Công ty chỉ đài thọ các chi phí ăn ở, đi lại của chuyên viên này. Công ty muốn đưa các chi phí này hợp lệ thì cần những thủ tục gì; chuyên viên này có phải chịu thuế tại Việt Nam hay không?”.
Ngoài vấn đề “nóng” về hoàn thuế, hàng loạt doanh nghiệp còn vướng mắc về thuế thu nhập cá nhân. Ảnh Cao Minh
Đại diện Cục Thuế TPHCM trả lời: “Chi phí đi lại, ăn ở của chuyên viên do công ty chi trả thì các khoản này công ty phải tính vào doanh thu tính thuế nhà thầu để tính khấu trừ, kê khai và nộp thuế nhà thầu theo quy định. Khoản chi này có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định về hóa đơn, chứng từ nộp thuế nhà thầu thay cho phía nước ngoài. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt với khoản chi có hóa đơn giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Cá nhân có phát sinh thu nhập do làm việc tại Việt Nam phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 20% trên thu nhập nhận được”.
Đại diện Công ty TNHH Indochine Wellness (Tòa nhà Crescent Plaza, quận 7, TPHCM) thắc mắc: “Công ty có bán hàng cho khách ở nước ngoài, trả phí giới thiệu khách hàng cho cá nhân người nước ngoài bằng tiền mặt. Như vậy, chi phí này có được đưa vào chi phí hợp lý, hợp lệ không? Các hồ sơ chứng từ có khoản phí này phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân hoặc tính thuế nhà thầu không?”. Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết: “Trường hợp công ty trả phí giới thiệu khách hàng liên quan đến việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài cho cá nhân người nước ngoài bằng tiền mặt thì khi trả tiền công ty phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Hồ sơ, chứng từ để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là thỏa thuận (hợp đồng) đã được công ty ký kết với khách hàng, chứng từ chi trả tiền công cho người nước ngoài’.
THI HỒNG