Nước Anh hối hả tìm đối tác

Nước Anh đang hối hả tìm đối tác thương mại mới và không có ai tốt hơn Mỹ và Nhật Bản vào lúc này, bởi đó là nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba thế giới. 
Nước Anh hối hả tìm đối tác
Một cựu ngoại trưởng Mỹ cho rằng, nước Anh đã mất quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) nhưng chưa tìm được một người bạn mới. Vì vậy, theo tác giả John Lloyd viết trên Reuters, trong khi chờ đợi các nhà đàm phán có câu trả lời tốt nhất cho hậu Brexit, thì nước Anh đang hối hả tìm đối tác thương mại mới và không có ai tốt hơn Mỹ và Nhật Bản vào lúc này, bởi đó là nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba thế giới. 
Các nhà lãnh đạo Anh nhận ra rằng, họ phải xây dựng liên minh thương mại mới và đó là cách Thủ tướng Theresa May đang cố gắng theo đuổi.
Thủ tướng Anh đã tới Nhật Bản trong tuần qua để thúc đẩy thỏa thuận thương mại song phương, tương tự như Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) mà Nhật Bản sắp ký kết với EU. Theo báo Guardian, Thủ tướng hai nước Anh và Nhật Bản cam kết, cả hai quốc gia đồng ý “ưu tiên lớn” trong việc ký kết EPA giữa Nhật Bản và Anh.
Tuyên bố chung cho biết: “Khi Anh ra khỏi EU, chúng tôi sẽ làm việc nhanh chóng để thiết lập mối quan hệ đối tác kinh tế mới giữa Nhật Bản và Anh dựa trên các điều khoản cuối cùng của EPA giữa Nhật Bản và EU”.
Nghĩa là, có thể Nhật Bản sẽ có những điều khoản EPA với Anh tương tự như với EU, nhưng có thể tiến trình này sẽ kéo dài một vài năm. Tuy vậy, Thủ tướng Nhật Bản Abe vẫn tỏ ra thận trọng trong những bình luận công khai của mình về vấn đề này.
Ông Abe nhấn mạnh, nhu cầu các công ty Nhật Bản muốn được đảm bảo rằng quy trình Brexit “minh bạch và có thể dự báo được”, vì  Anh là cửa ngõ vào EU cho nhiều công ty Nhật Bản. Thủ tướng Abe cho rằng, Nhật Bản muốn giảm thiểu tác động đối với các công ty Nhật Bản do Brexit gây ra và cả trong quá trình đàm phán hậu Brexit.
Đối với chính phủ Anh, nước Mỹ có lẽ là chỗ dựa đáng tin cậy hơn. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, với kim ngạch thương mại khoảng 230 tỷ USD/năm và đầu tư vào các nền kinh tế của nhau lên tới 1.000 tỷ USD.
Ngoài ra, đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông ủng hộ Anh rời EU, ca ngợi một thỏa thuận thương mại tương lai Mỹ - Anh “rất thú vị”, đồng thời lên án EU “rất bảo hộ với hàng hóa Mỹ”. Mỹ muốn tiếp cận thị trường Anh để xuất khẩu lương thực, nhưng vẫn còn tồn tại 2 vấn đề lớn. Đó là: gà của Mỹ được rửa bằng chlorine, một quá trình mà EU xem là nguy hiểm; và phần lớn ngũ cốc của Mỹ xuất sang Anh là hàng biến đổi gen - điều mà EU rất thận trọng sử dụng. Một khi các sản phẩm này được nhập vào Anh, những cuộc biểu tình của nông dân Anh và các nhà môi trường học sẽ lớn hơn, lâu dài và gây tổn hại cho bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa Anh và EU sau này. 
Nói về quá trình đàm phán “ly hôn” giữa Anh và EU,  tác giả John Lloyd cho rằng, 27 thành viên EU rất kiên quyết, đòi hỏi phải có một “hợp đồng ly hôn” lớn - lên đến 100 tỷ EUR (112 tỷ USD), cùng với cam kết rằng các công dân EU sống ở Anh trong ít nhất 5 năm sẽ được phép cư trú vĩnh viễn. Trong lúc này, các ngân hàng và nhiều công ty lớn của Anh và cả nước ngoài đang thảo luận về việc chuyển hàng ngàn việc làm ra khỏi TP London. Bảng Anh đang mất giá và các nhà phân tích cho rằng tiền tệ này có thể sớm ngang bằng với EUR. 

Tin cùng chuyên mục