
* Tháng 7-2008, Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐBA LHQ
Nhìn lại 3 tháng đầu tiên Việt Nam tham gia công việc của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ), phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đang công tác tại New York (Hoa Kỳ) có cuộc trao đổi với Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ, đồng thời là Đại diện nước ta tại HĐBA (ảnh). Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trao đổi.
* PV: Xin Đại sứ cho biết một số nét chính trong hoạt động của HĐBA LHQ trong 3 tháng qua.

* Đại sứ LÊ LƯƠNG MINH: Ba tháng đầu tiên Việt Nam tham gia HĐBA vừa qua là một sự khởi đầu bận rộn và sôi động với gần 100 cuộc họp ở các cấp khác nhau, nghĩa là một ngày trung bình HĐBA có gần 3 cuộc họp. Một nửa trong số hơn 50 đề mục trong chương trình nghị sự của HĐBA được thảo luận, trong đó có hầu hết các vấn đề “nóng” như Trung Đông, Kosovo, Iran, Myanmar.
Các vấn đề châu Phi tiếp tục chiếm phần lớn thời lượng công việc của HĐBA. Ba tháng đầu năm vừa qua chứng kiến sự bùng phát những xung đột cục bộ mới và diễn biến phức tạp của nhiều xung đột nan giải buộc HĐBA phải đàm thảo tìm giải pháp. HĐBA thông qua 13 nghị quyết, 7 tuyên bố của chủ tịch và 15 tuyên bố báo chí.
Có thể nói trong 3 tháng đầu năm 2008, HĐBA đã hoàn thành một khối lượng công việc nhiều hơn công việc quý đầu của bất cứ năm nào trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là do bất đồng quan điểm dẫn đến bế tắc trong thương lượng, HĐBA không đạt được thỏa thuận nào về những vấn đề nóng bỏng có tác động tiêu cực lớn đến hòa bình, an ninh quốc tế như tình hình nhân đạo đang ngày càng xấu đi tại Dải Gaza đẩy một triệu người Palestine vào cảnh sống cùng cực và việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ cũng như các điều khoản cụ thể của Nghị quyết 1244 do chính HĐBA thông qua.
* Xin Đại sứ đánh giá về hiệu quả tham gia của Việt Nam thời gian qua.
* Chúng ta đã tham gia công việc của HĐBA với phương châm độc lập, có trách nhiệm, luôn nhận rõ và thấm nhuần mối quan hệ hữu cơ giữa hòa bình, an ninh khu vực, hòa bình, an ninh quốc tế và hòa bình, an ninh, sự ổn định và công cuộc phát triển của đất nước ta. Đó là cơ sở để ta đã có những đóng góp khách quan, thực chất vào sứ mệnh quan trọng của HĐBA, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Mặc dù là thành viên mới, chúng ta đã tham gia công việc của HĐBA một cách tích cực. Chúng ta chủ động đóng góp ý kiến về tất cả vấn đề được thương thảo.
Trong vấn đề Trung Đông, ta kiên trì quan điểm nhất quán ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine nhằm mục tiêu thành lập một Nhà nước độc lập của mình, đồng thời không chấp nhận và lên án các hành động bạo lực quá khích, các cuộc tấn công nhằm vào thường dân vô tội, trong đó có cả thường dân Palestine, Lebanon và thường dân Israel.
Trong vấn đề Kosovo, ta kiên trì lập trường nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không chấp nhận hành động đơn phương tuyên bố độc lập, đồng thời phản đối và lên án các hành động bạo loạn, đặc biệt các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên LHQ và các cơ quan đại diện ngoại giao.
Trong vấn đề Iran, chúng ta đã tham gia tích cực vào quá trình thương lượng nhằm đảm bảo lợi ích của các nỗ lực không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, lợi ích và quyền hợp pháp của các nước phát triển, sản xuất và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, quyền hợp pháp của các quốc gia tiến hành các hoạt động giao thương, hàng hải bình thường. Trong vấn đề Myanmar, đồng thời với việc ủng hộ vai trò trung gian của Tổng Thư ký LHQ, chúng ta kiên định quan điểm cho rằng vấn đề Myanmar cần cách đặt vấn đề toàn diện, trong đó cần thiết nhìn nhận tình trạng nghèo, chậm phát triển là một nguyên nhân gốc rễ của tình hình hiện nay và LHQ cần giúp đỡ Myanmar phát triển, giảm nghèo, qua đó giảm xung đột trong xã hội, tạo điều kiện cho Myanmar thực hiện thành công lộ trình dân chủ 7 điểm, tiến tới hòa giải dân tộc.
Xác định là đại diện của tất cả các nước thành viên LHQ, đặc biệt các nước châu Á đã tín nhiệm bỏ phiếu bầu Việt Nam vào HĐBA, chúng ta thường xuyên trao đổi thông tin, tham khảo ý kiến các nước không phải thành viên HĐBA, đặc biệt các nước có vấn đề thuộc chương trình nghị sự của HĐBA, qua đó nắm bắt quan tâm, lợi ích an ninh chính đáng của họ cũng như những quan ngại của cộng đồng quốc tế làm cơ sở đóng góp ý kiến, đề xuất phương án giải pháp phù hợp. Trong tháng 3-2008, trong cương vị là Điều phối viên của Nhóm các nước Không liên kết trong HĐBA, ta đã tích cực phối hợp hoạt động thống nhất lập trường chung của nhóm trên một số vấn đề quan trọng phản ánh quan tâm lợi ích an ninh chính đáng của Phong trào Không liên kết.
* Sắp tới chúng ta sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐBA trong một tháng, ông có thể chia sẻ với độc giả của Báo SGGP về công việc và trách nhiệm của Chủ tịch HĐBA?
* Trong HĐBA, các thành viên luân phiên, tính theo trình tự ABC chữ cái đầu của tên nước bằng tiếng Anh, đảm nhiệm chức chủ tịch trong một tháng. Trong nhiệm kỳ 2 năm, các nước thành viên không thường trực có thể đảm nhiệm chức chủ tịch một hoặc hai lần. Nhiệm vụ của chủ tịch là chuẩn bị và chủ trì thương lượng để thống nhất chương trình làm việc cho cả tháng, điều hành tất cả cuộc họp chính thức và không chính thức của HĐBA, điều hành các hoạt động khác như tổ chức các buổi thảo luận của các thành viên HĐBA dưới hình thức ăn trưa làm việc với Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng và lãnh đạo các cơ quan khác của LHQ khi cần thiết; thường xuyên tiếp xúc, cập nhật thông tin cho báo chí quốc tế về công việc của HĐBA.
Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐBA LHQ lần đầu vào tháng 7-2008 và lần 2 vào tháng 10-2009. Trong tháng làm chủ tịch lần đầu tiên tới đây, theo dự kiến chúng ta sẽ điều hành các hoạt động của HĐBA liên quan đến một loạt vấn đề khá “nóng”, như vấn đề Trung Đông, các cuộc xung đột ở châu Phi và châu Á. Chủ tịch HĐBA trong tháng 7 hàng năm có trách nhiệm soạn thảo báo cáo gửi Đại Hội đồng LHQ về công việc của HĐBA từ tháng 8 năm trước đến tháng 7 năm đó.
Làm Chủ tịch HĐBA là công việc phức tạp và nặng nề. Chúng ta đang tích cực chuẩn bị để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, qua đó góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước.
* Xin cảm ơn Đại sứ.
PHẠM THỤC