Mới đây đoàn lãnh đạo Thành ủy TPHCM đến thăm và làm việc tại Myanmar. Đây là sự kiện quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar ký kết hợp tác kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Cùng tham gia chuyến đi này, ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến - một trong những doanh nghiệp mạnh về sản xuất hàng tiêu dùng ngành nhựa đã trao đổi với chúng tôi xung quanh sự kiện này.
° Thưa ông, sau chuyến đi này, Đại Đồng Tiến đã gặt hái được gì ?
- Mục đích của chuyến công tác này của đoàn lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp là xúc tiến thương mại đầu tư và du lịch. Đặc biệt, các doanh nghiệp TPHCM được tiếp xúc với Bộ trưởng Công nghiệp, Bộ trưởng Thương mại Myanmar, các bộ trưởng nước bạn khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư. Cũng trong chuyến công tác này Đại Đồng Tiến cùng với 11 doanh nghiệp Việt Nam đã chính thức ký kết văn bản hợp tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực, đánh dấu bước tiến mới của Đại Đồng Tiến trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, Bộ Công nghiệp Myanmar hiện đang chuẩn bị hoàn tất Luật Đầu tư mới nhằm mở cửa để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có việc rút ngắn cấp phép đầu tư. Đây là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu, hợp tác tại thị trường Myanmar.
° Ngoài mục đích kinh doanh và khai thác thị trường, Đại Đồng Tiến có học hỏi được kinh nghiệm gì trong chuyến này?
|
- Ngoài việc tham quan giao lưu giữa các doanh nghiệp thành phố Yangon – Myanmar và TPHCM – Việt Nam, tôi thấy lãnh đạo thành phố rất quan tâm sự đến phát triển của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó lãnh đạo TPHCM là cầu nối gắn kết giúp các doanh nghiệp trong nước bắt tay nhau đưa sản phẩm hàng Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Myanmar là một thị trường tiềm năng và có thể phát triển nhanh. Trên thực tế, thị trường nhựa Myanmar chủ yếu là phân khúc thấp mà giá bán vẫn cao, chính vì vậy những sản phẩm cao cấp của Đai Đồng Tiến khi vào thị trường Myanmar sẽ lấy được cảm tình và lòng tin yêu của người tiêu dùng. Tiềm năng xuất khẩu hàng tiêu dùng vào thị trường Myanmar còn rất lớn bởi sản xuất trong nước của Myanmar mới chỉ đáp ứng được 10%, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng Myanmar rất quan tâm tới hàng Việt Nam.
Hiện tại, thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam tại Myanmar mới khoảng 1%. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh tại thị trường Myanmar ngày càng gia tăng giữa Việt Nam và các đối thủ “nặng ký” như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… Tuy nhiên, với nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, sự tương thích về khả năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam và Myanmar đang mở cửa về kinh tế nên đây là thời điểm thích hợp nhất cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư. Hiện nay, Đại Đồng Tiến cũng đang có chiến lược mở văn phòng đại diện tại Myanmar.
° Ông có thể về thị trường tiềm năng hiện nay của Đại Đồng Tiến?
- Hiện nay, thị trường tiêu thụ của Đại Đồng Tiến vẫn là nội địa. Đại Đồng Tiến đang đẩy mạnh nâng cao tỷ lệ xuất khẩu lên trên mức 10% so với tổng sản lượng hàng năm và tiếp tục mở rộng thị phần ra các quốc gia trong khu vực, hướng đến toàn cầu hóa thương hiệu theo định hướng phát triển của công ty. Hiện nay công ty có trên 300 mặt hàng, các sản phẩm mang nhãn hiệu Household, Sina, Nice, Foodpak, GIP... tiêu thụ mạnh thị trường nội địa và xuất khẩu đến nhiều quốc gia: Lào, Campuchia, Australia, các quốc gia châu Âu và Trung Đông…đưa doanh thu tăng trưởng liên tục. Năm 2010 doanh thu đạt trên 880 tỷ đồng và 900 tỷ đồng năm 2011. Dự kiến trong năm 2012, sản lượng doanh thu của công ty sẽ đạt 1.400 tỷ đồng, nâng mức tăng trưởng lên 40% so với cùng kỳ năm trước.
° Còn về lâu dài Đại Đồng Tiến có hoạch định về chiến lược kinh doanh để phát triển bền vững?
- Để tăng trưởng kinh doanh, Đại Đồng Tiến đã tổ chức được mạng lưới phân phối với hơn 70 nhà phân phối và hơn 3.500 cửa hàng bán lẻ và tiếp tục mở rộng hơn nữa. Hầu hết các siêu thị lớn như Big C, Maximark, Co.opmart, Vinatech… đều có sự hiện diện của sản phẩm Đại Đồng Tiến. Ngoài một nhà máy đang hoạt động ở Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TP.HCM), năm 2011, Đại Đồng Tiến đã khởi công nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD (và dự kiến nâng lên 50 triệu USD trong những năm tới) theo tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới, xây dựng tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Dự kiến đến quý III năm nay nhà máy này sẽ đi vào hoạt động. Với nhà máy hiện đại này, Đại Đồng Tiến sẽ tăng cường các nhóm hàng tiềm năng lâu nay còn hạn chế sản lượng do chưa có nhà xưởng lớn như nhựa nội thất, hàng cao cấp xuất khẩu. Ngoài Văn phòng đại diện của Đại Đồng Tiến tại Camphuchia, sắp tới công ty sẽ mở thêm hai văn phòng nữa tại Lào và Myanmar. Tất cả các mô hình này, công ty đều áp dụng mô hình các nhân viên kinh doanh đều là người sở tại. Chiến lược của Đại Đồng Tiến là tăng sản lượng sản phẩm có chất lượng cao, tạo tiền đề cho mục tiêu xuất khẩu trong tương lai; vững vàng hướng đến mục tiêu năm 2020, Đại Đồng Tiến sẽ trở thành thương hiệu toàn cầu.
° Xin cảm ơn ông!
| |
Thái Đoàn thực hiện