Phải chăng chỉ thí sinh có lỗi?

Một câu chuyện không mới sau một kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh: những bài văn cười ra nước mắt, những câu trả lời về lịch sử ngây ngô đến… kinh hãi. Đằng sau câu chuyện này, dư luận gần như “đổ tội” cho thí sinh, thậm chí còn đặt ra câu hỏi: Vì sao thí sinh có thể viết lên được những con chữ như thế?
Phải chăng chỉ thí sinh có lỗi?

(Nhân đọc “Những bài văn… cười ra nước mắt” trên Báo SGGP số ra ngày 29-7)

Một câu chuyện không mới sau một kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh: những bài văn cười ra nước mắt, những câu trả lời về lịch sử ngây ngô đến… kinh hãi. Đằng sau câu chuyện này, dư luận gần như “đổ tội” cho thí sinh, thậm chí còn đặt ra câu hỏi: Vì sao thí sinh có thể viết lên được những con chữ như thế?

Nhưng là người trong cuộc, những nhà quản lý giáo dục, những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, có khi nào tự vấn lương tâm và dũng cảm nhận một phần trách nhiệm về mình? Có cảm giác xấu hổ nếu như thí sinh này, học sinh nọ viết những câu văn như thế là học trò của trường mình, lớp mình?

Phải nghiêm túc đánh giá, thí sinh có nhận thức như thế hay còn lý do nào khác. Chúng tôi đã từng hỏi chính những em làm “những bài văn… không thể tin nổi” là vì sao viết như thế, không ít em đã thừa nhận “cho nó khác với những bài văn mẫu, loại văn không phải cảm nhận của chúng em”. Phải chăng đây chính là sự “phản kháng” mang tính “bất tuân” trong ý thức của các em hay các em đã “chán ngấy” những bài văn mẫu nhai đi nhai lại hàng chục lần trước khi bước vào các kỳ thi…

Phải chăng chỉ thí sinh có lỗi? ảnh 1

Thí sinh dự thi vào ĐH Nông Lâm chuẩn bị thi môn văn. Ảnh: MAI HẢI

Chứng kiến hoạt động dạy và học văn trong trường phổ thông hiện nay, có thể hiểu được những nghi vấn trên. Từ đầu năm học, tổ trưởng phụ trách chuyên môn văn của nhà trường sẽ lên kế hoạch giảng dạy cho từng khối lớp và thống nhất chương trình dạy. Riêng lớp 12, tổ trưởng sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc phân bố chương trình (tất nhiên phải thông qua các buổi tập huấn, thống nhất từ cấp trên) cho cả năm học. Phần lớn các trường mà người viết từng tiếp cận được, còn thống nhất cả nội dung từng bài giảng. Cụ thể, một bài giảng văn, tổ trưởng chịu trách nhiệm biên soạn nội dung cho học sinh nắm những gì, sau đó in sao và phát cho các giáo viên trong tổ. Cứ thế mà lên lớp giảng cho học sinh “thống nhất” nội dung để tránh “lạc đáp án” của Bộ GD-ĐT khi học sinh đi thi. Với cách dạy văn như thế này thì chẳng khác nào bóp chết quá trình cảm thụ văn học.

Ngay trong một bài thơ, người này thích câu thơ này nhưng kẻ khác lại cảm nhận ở câu khác là hoàn toàn bình thường. Thế thì, làm sao mà đáp án Bộ GD-ĐT cho rằng bài thơ này hay đoạn này, đoạn kia và cứ thế, hàng triệu giáo viên, học sinh buộc “thống nhất” điều đó. Nếu có ý tưởng khác, là… sai đáp án, lạc đề (?!).

Một giáo viên dạy văn mới ra trường đã từng “đổi mới” phương pháp dạy văn bằng cách đào sâu, cho học sinh tìm ra ý tưởng mới. Khi chấm bài chung toàn trường trong kỳ thi học kỳ, hầu hết học sinh do giáo viên này giảng dạy đều nhận điểm… dưới trung bình! Tranh luận, thậm chí là khiếu nại. Cuối cùng, tổ trưởng chuyên môn nói với giáo viên: “Nếu em dạy như thế, sau này học sinh đi thi tốt nghiệp, tuyển sinh theo đề chung, đáp án chung của Bộ GD-ĐT mà hỏng, em có nhận trách nhiệm không? Thành tích của trường, của tổ bị ảnh hưởng, em có gánh được không?”. Giáo viên trẻ kia phải ngậm ngùi lên lớp từng ngày với những bài soạn sẵn, những bài “đã thống nhất” để giảng dạy. Cứ như thế, đều đều, vô hồn…

Thực tế này đủ để giải thích vì sao học sinh viết văn không hay nhưng khi viết blog, hay khi được cho các em viết những điều các em suy nghĩ thì… không chê vào đâu được. Nghĩ rộng ra cũng có thể lý giải được phần nào vì sao học sinh ngán ngại học văn, vì sao số lượng thí sinh tham gia thi khối C ngày càng giảm mạnh, vì sao, vì sao… Những bài văn cười ra nước mắt, phải chăng lỗi hoàn toàn ở thí sinh?

NGỌC LỮ (Quận 2 TPHCM)

Tin cùng chuyên mục