Tuy số tiền và các khoản chi tiêu của quốc gia nhiều hơn gấp nhiều lần so với một gia đình nhưng đều phải chung một cách, đó là “liệu cơm gắp mắm”. Gia đình tôi chỉ sống dựa vào đồng lương nên hết sức tiết kiệm trong chi tiêu, thứ gì cần thiết thì ưu tiên, thứ gì chưa thật cần thiết, dứt khoát không chi tiêu.
Do gia đình tôi biết “liệu cơm gắp mắm” nên trong cơn “bão giá” chúng tôi vẫn tiết kiệm được chút đỉnh để phòng khi “trái gió trở trời”. Từ thực tế việc chi tiêu trong gia đình, tôi nghĩ việc chi tiêu của quốc gia cũng phải “liệu cơm gắp mắm” để chống lạm phát. Việc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa có quyết định ngưng 21 chuyến công tác nước ngoài và 5 hội nghị cấp toàn quốc trong năm 2008 cũng là cách “liệu cơm gắp mắm”, cần được các bộ ngành trung ương và địa phương nghiên cứu học tập (tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 21-5-2008).
Hiện có rất nhiều cuộc hội họp, học tập kinh nghiệm tốn rất nhiều ngân sách nhà nước vẫn chưa được tiết kiệm. Có không ít cơ quan đơn vị đã lợi dụng việc học tập kinh nghiệm để đi tham quan du lịch các tỉnh, TP và cả ở nước ngoài. Những cán bộ đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước đó đã học tập được gì cho công việc, cho địa phương và cấp nào phải chịu trách nhiệm?
N.B. (TPHCM)