Phải phục vụ dân tốt hơn

Vừa qua nhà tôi bị cắt điện nên tôi đến Điện lực Gia Định TPHCM để giải quyết. Gặp cán bộ phụ trách khách hàng, người này hứa giải quyết nhưng không làm gì, sau đó lại chỉ tôi sang người phụ trách thu tiền, người này cũng nói quanh co, nên tôi lên gặp phó giám đốc phụ trách kinh doanh. Rồi phó giám đốc lại yêu cầu tôi gặp cán bộ phụ trách thu tiền nhưng trưởng phòng này vẫn cứ quanh co nên cuối cùng tôi buộc phải tìm gặp giám đốc mới được chỉ đạo cấp dưới giải quyết.
 
Điều đáng nói ở đây là Điện lực Gia định đã cúp điện nhà dân mà không thông báo trước. Khi người dân khiếu nại thì lại đùn đẩy cho nhau, không ai chịu trách nhiệm. Người đi cúp điện nói chỉ biết làm theo lệnh, còn cán bộ lãnh đạo ngồi ở văn phòng cứ hễ khách hàng chưa đóng tiền điện quá hạn một tuần là cắt điện, không cần biết khách hàng đã nhận được giấy báo đóng tiền hay thông báo cắt điện hay chưa.

Điện lực Củ Chi thì khác. Cán bộ nhân viên nơi đây làm việc rất có trách nhiệm, hàng tháng ngoài việc đưa giấy báo đóng tiền tới tận nhà dân thì còn gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua mạng di động. Nếu hộ dân chưa đóng tiền, điện lực sẽ cử nhân viên đến tìm hiểu nguyên nhân lúc đó mới có biện pháp xử lý.

Thiết nghĩ Điện lực Gia Định nên xem xét lại cách làm việc để phục vụ cho người dân tốt hơn.

TR.SƠN


Lãng phí nón, áo các cuộc đi bộ

Hàng năm, các địa phương thường tổ chức nhiều cuộc đi bộ từ thiện, đi bộ để ủng hộ quỹ vì người nghèo, trong đó các đơn vị ủng hộ là người trực tiếp tài trợ mua sắm nón, áo cho người đi bộ. Hiện tôi đang sở hữu khoảng hơn chục bộ áo, nón của các cuộc đi bộ như vậy, trong đó tôi thường chọn sử dụng vài chiếc áo hợp với thẩm mỹ và nhất là không bị nóng.

Qua việc sử dụng áo, nón các cuộc đi bộ, tôi thấy cần quan tâm hơn nữa đến chất liệu áo, nón của các cuộc đi bộ đó vì ngoài mục đích quảng cáo của các đơn vị tài trợ còn có mục đích sử dụng. Nếu như chất liệu may áo, nón không phù hợp với điều kiện khí hậu và nhất là chất lượng không đảm bảo, thậm chí chỉ dùng được một lần rồi bỏ là việc làm rất lãng phí bởi số lượng nón áo mỗi cuộc đi bộ như vậy lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn.
 
Bên cạnh đó, tôi thấy việc quyên góp tiền ủng hộ người nghèo cũng cần xem lại. Thay vì mỗi người sử dụng một bao thư để góp tiền như vẫn thường làm, tôi thấy nên lập sổ thu vừa tiết kiệm được bao thư vừa để đảm bảo nguyên tắc tài chính, nhất là nhu cầu công khai số tiền ủng hộ.

K.C.

Tin cùng chuyên mục