Trước tình hình giá cả một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có xi măng, thép xây dựng, phân bón diễn biến bất thường tại các tỉnh phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phát đi hiệu lệnh nóng hổi “phải kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, kể cả truy tố theo pháp luật đối với hành vi đầu cơ, tung tin gây rối thị trường”.
Sự can thiệp của Chính phủ là cần kíp, nhất là khi 3 mặt hàng xi măng, thép xây dựng, phân bón tăng vọt, trong đó xi măng bán lẻ tăng gấp đôi giá xuất xưởng. Ở các điểm bán lẻ vật liệu, người bán cứ thản nhiên “hét giá mới” từng ngày. Thật là bất thường.
Quả thật trong cơn lạm phát đang có xu hướng tăng nhiệt, nếu các bộ, ngành chức năng, quản lý thị trường không có biện pháp quản lý giá cả của các mặt hàng thiết yếu thì doanh nghiệp sẽ chết đứng vì sản xuất đình trệ, công trình xây dựng tạm ngưng, nông dân không có vốn để mua phân bón và người tiêu dùng bị “bóp nghẹt” vì chi tiêu giảm, chất lượng cuộc sống đi xuống…
Xin nhắc lại chuyện buồn từ tin đồn thất thiệt gạo tăng hồi cuối tháng 4 khiến người dân đổ xô đi mua gạo, chấp nhận giá tăng đến 200%. Ngay sau đó Chính phủ cũng đã có công lệnh khẩn yêu cầu xử lý thật nghiêm những kẻ mua vét, đầu cơ tích trữ lúa, gạo. Thế nhưng đến nay, giá gạo tuy có giảm nhưng vẫn giữ ở mức cao mới, tăng 20%-30% so với giá cũ (mặc dù lượng gạo dự trữ ở nước ta rất lớn và VN là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới).
“Cơn bão tăng giá gạo quét qua, người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt hại và phải chấp nhận mua gạo giá cao hơn trước đây. Riêng những kẻ tung tin đồn thất thiệt, đầu cơ tích trữ gạo và trục lợi nhanh từ cơn sốt gạo vẫn chưa bị “điểm mặt, chỉ tên” và bị truy tố đúng tội danh mà chúng gây ra làm rối loạn thị trường, gây bất ổn cho nền kinh tế nước nhà.
Đúng như nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt lên bàn nghị sự kỳ họp Quốc hội lần này câu hỏi chưa có lời giải: “Sau gạo, sau xi măng, thép xây dựng và phân bón, còn có mặt hàng thiết yếu nào bị làm giá nữa?”. Từ hiệu lệnh khẩn của Thủ tướng, các cấp chính quyền, các ngành chức năng, nhất là quản lý thị trường hãy vào cuộc điều tra, xử lý ngay những kẻ tung tin đồn thất thiệt, “té nước theo mưa”, đầu cơ trục lợi. Có như thế, doanh nghiệp, người dân mới không bị ảnh hưởng từ những cơn bão giá xảy ra liên tục.
HỒ LIÊN (TPHCM)