Phản ứng của thế giới về thỏa thuận lịch sử Israel - UAE

Ngày 14-8, dư luận thế giới có những phản ứng trái chiều trước thoả thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vừa đạt được trước đó 1 ngày, với sự trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Thỏa thuận hòa bình được biết đến với tên gọi Hiệp ước Abraham là kết quả của các cuộc thảo luận kéo dài giữa Israel, UAE và Mỹ, qua đó bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa Israel và UAE, đồng thời Israel nhất trí đình chỉ áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây mà nước này đang thảo luận, trong đó có việc sáp nhập thêm các vùng lãnh thổ Palestine.

Thái tử Abu Dhabi Mohammed Bin Zayed (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) đã đạt được thỏa thuận lịch sử với sự trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, Nga, Anh và nhiều nước hoan nghênh thỏa thuận, đồng thời bày tỏ hy vọng kế hoạch sáp nhập sẽ không được xúc tiến tại Bờ Tây và thỏa thuận ngày hôm nay là một bước đi quan trọng trong lộ trình hướng tới một khu vực Trung Đông hòa bình hơn.

Tuy nhiên, thỏa thuận cũng bị phản ứng gay gắt từ nhiều nước, cho dù Đại sứ quán UAE tại Mỹ đã nhấn mạnh UAE sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Palestine và những nỗ lực của họ nhằm trở thành một nhà nước chủ quyền. Ngoại trưởng Jordan Ayman al-Safadi cho rằng, nhà nước Do Thái cần chấm dứt các hành động “bất hợp pháp” và việc vi phạm các quyền của người Palestine. Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đã triệu tập cuộc họp khẩn với các quan chức hàng đầu trong Chính quyền Palestine để đưa ra lập trường chính thức về thỏa thuận trên. Đại diện các phong trào Fatah và Hamas của Palestine đã bác bỏ thỏa thuận giữa Israel và UAE vì cho rằng, thỏa thuận sẽ không trao cho nhà nước Do Thái bất kỳ tính hợp pháp nào khi chiếm đóng đất đai của Palestine, xa rời sự đồng thuận Arab. 

Tin cùng chuyên mục