“Đặc sản du lịch” của vùng ĐBSCL là sông nước, với những khu chợ nổi có từ lâu đời. Hiện nay, chính quyền địa phương cũng đã tận dụng chợ nổi làm du lịch, nhưng không có quy hoạch đồng bộ. Chẳng hạn như khu chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Có lần TP Cần Thơ tổ chức ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng, chúng tôi thuê tàu ra chợ nổi để tham quan, nhưng rất thất vọng vì chỉ thấy tàu thuyền đưa du khách ra, còn người bán lác đác, không còn tấp nập, sôi động như trước đây. Một gia đình bán bánh canh trên ghe cho biết, rất nhiều người bán đã bỏ lên bờ vì buôn bán trên sông nước không còn hợp thời nữa. Cầu đường đã được xây dựng, giao thông đường bộ thuận tiện, nên chẳng ai buồn đi chợ nổi. Có chăng là những du khách hoài cổ, muốn xem cho biết, hoặc những người lớn tuổi đi chợ nổi vì thói quen.
Vùng Đông Nam bộ cũng chưa khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch. Ở Tây Ninh, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát là nơi có nhiều loài động vật quý hiếm và những loại cây quý cao to đến vài trăm năm tuổi, thu hút du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan. Hình thức du lịch sinh thái rất hấp dẫn du khách, nhưng lối dẫn vào khu bảo tồn thiên nhiên này lại xấu. Nếu đi vào mùa mưa thì rất oải vì đường sình lầy, nhiều ổ voi.
Tại TPHCM, các điểm đến cho du khách cũng rất ít ỏi. Du lịch TPHCM chưa có điểm nhấn ngoài các di tích lịch sử. Nếu du khách nước ngoài không đến các bảo tàng, các khu chợ lớn thì không còn nơi nào tham quan, vui chơi. Những hình ảnh ấy không phải là nét riêng thu hút khách quốc tế thích khám phá cái mới, lạ, thật và mang hơi hướng phiêu lưu.
Trong khi chợ nổi ở ĐBSCL ngày càng thưa vắng, nhìn qua nước bạn Thái Lan, có những khu chợ nổi chỉ là con kênh đào bé tẹo như Damnoen Saduak (tỉnh Ratchaburi), Amphawa (tỉnh Samut Songkhram), Taling Chan (thủ đô Bangkok)..., nhưng vẫn thu hút đông đảo khách du lịch khắp thế giới. Nhận rõ thế mạnh du lịch của mình, chính quyền địa phương ở Thái Lan đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho du lịch, tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động du lịch và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, giúp kinh tế đất nước phát triển.
Việc nhận ra và phát huy thế mạnh của du lịch cần được chính quyền địa phương xem xét thấu đáo. Từ đó có quy hoạch kỹ lưỡng, nâng thế mạnh đúng tầm để phát triển du lịch. Không nên phát triển du lịch kiểu ôm đồm, xô bồ, gây lãng phí cũng như không có điểm nhấn riêng, ít nổi bật trong mắt du khách quốc tế.