Phát huy vai trò báo chí trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đề nghị báo chí tăng cường xây dựng các tuyến tin, bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, quan tâm làm tốt công tác truyền thông về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó đảm bảo thông tin vừa xây, vừa chống để tạo niềm tin xã hội.

Ngày 17-3, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Sở TT-TT TPHCM, Hội Nhà báo TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí, xuất bản năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Báo chí tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Tại hội nghị, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn nhấn mạnh, trong những năm qua, Báo SGGP đã triển khai thực hiện đa dạng hình thức, nội dung để đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cùng các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cùng các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bên cạnh những bài viết, việc “tiếp nhận, xử lý, chuyển tải phản ánh của người dân hay phản ánh, giải đáp những vấn đề mà dư luận quan tâm” cũng là biện pháp cụ thể để Báo SGGP thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, PCTNTC.

Năm 2023, Báo SGGP đã xây dựng kế hoạch, tổ chức chuyên mục trên báo SGGP in hàng ngày và SGGP Online thực hiện thông tin, tuyên truyền về công tác này được tập trung, mạnh mẽ và thường xuyên, bằng nhiều hình thức hơn nữa. Cụ thể, Báo SGGP đã ra mắt chuyên mục PCTNTC trên cả phiên bản báo giấy và online.

Để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về PCTNTC, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP kiến nghị, khi báo chí có nguồn tin hoặc phát hiện, tiếp nhận tin báo phản ánh từ bạn đọc về những vụ việc tham nhũng, tiêu cực thì cần có sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan chức năng.

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bên cạnh đó, các cơ quan PCTNTC chủ động phối hợp với báo chí hơn nữa để cung cấp, trao đổi thông tin về những lĩnh vực, địa bàn, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, cung cấp thông tin, các bước xử lý những vụ việc một cách kịp thời hơn.

Với thế mạnh là tờ báo chuyên sâu về pháp luật, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM Mai Ngọc Phước cho biết, tờ báo vẫn kiên trì theo đuổi đấu tranh, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật, điều tra chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó là góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng, ban hành các chính sách. Ông Mai Ngọc Phước cũng kiến nghị, thời gian tới TPHCM tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện về cơ chế như cơ chế cung cấp thông tin, đặt hàng giao nhiệm vụ, hỗ trợ chuyển đổi số... để tờ báo tiếp tục phát triển hơn.

Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM Mai Ngọc Phước. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM Mai Ngọc Phước. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Mong muốn báo chí đồng hành và tham gia sâu hơn vào các vấn đề lớn mà TPHCM cần giải quyết, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ cho rằng, TPHCM có thể lựa chọn, đặt hàng giao nhiệm vụ các cơ quan báo chí, qua đó ở từng cơ quan báo chí có thế mạnh riêng sẽ tập trung triển khai những tuyến bài, hội thảo, diễn đàn góp ý hiến kế nhằm chung tay giải quyết những vấn đề lớn của thành phố, qua đó góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM. TPHCM có nhiều vấn đề lớn cần có sự vào cuộc của báo chí, đó là việc thực hiện chủ đề năm 2023, triển khai thực hiện Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị...

Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Liên quan đến lĩnh vực xuất bản, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Thành Nam kiến nghị, TPHCM sớm có hướng dẫn cụ thể về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đặc biệt có nội dung gắn với sách để nhà xuất bản có thể tham gia sâu hơn. Vì theo ông, hiện nay rất nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhưng rất ít đầu sách. Cùng với đó hỗ trợ để nhà xuất bản mạnh dạn đầu tư vào công nghệ số. TPHCM cũng sớm có giải thưởng sách thiếu nhi; phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi Thành phố.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, trên địa bàn Thành phố có đông đảo đội ngũ người làm báo, có đông cơ quan báo chí, xuất bản hoạt động rất sôi nổi. Để công tác truyền thông đi vào hiệu quả hơn, năm 2023, TPHCM sẽ đi vào thực hiện cơ chế đặt hàng các cơ quan xuất bản, báo chí một cách chi tiết, cụ thể.

Ngoài ra, TPHCM đang chuyển động và đi vào xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Vì vậy rất cần báo chí tiếp tục xây dựng tuyến tin bài để làm sao chuyển đổi về ý thức và nếp sống của người dân.

Đồng hành với sự phát triển TPHCM

Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, hoạt động báo chí, xuất bản Thành phố luôn được Đảng bộ, chính quyền TPHCM quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng đến việc nâng cao chất lượng toàn diện của công tác báo chí, xuất bản, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu chỉ đạo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu chỉ đạo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, các cơ quan báo chí, xuất bản rất chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cùng đồng hành với Thành phố vượt qua những khó khăn, trở ngại để tăng tốc phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy Thành phố phát triển văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng điểm lại những hạn chế, tồn đọng và cả những bất cập cần khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, nhiều vấn đề cần quan tâm như chuyển đổi số, đầu tư quản lý cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cơ chế lãnh đạo quản lý gắn với tính tự chủ của các cơ quan báo chí, xuất bản; vấn đề đổi mới cơ chế đặt hàng của TPHCM đối với các nội dung thông tin truyền thông…

Thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM mong muốn báo chí quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Đồng thời, làm tốt chức năng định hướng tư tưởng, dư luận; tăng cường xây dựng các tuyến tin, bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Các cơ quan báo chí quan tâm làm tốt công tác truyền thông về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó đảm bảo thông tin vừa xây, vừa chống để tạo niềm tin xã hội.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như khuê trao thưởng cho tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như khuê trao thưởng cho tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cùng với đó, các cơ quan báo chí, xuất bản TPHCM bám sát chủ đề năm 2023 của TPHCM; nhất là phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị; tới đây Quốc hội thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu thông tin, trong nghị quyết mới lần này, TPHCM xin thí điểm nhiều vấn đề trên các lĩnh vực về quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư dự án, thu hút đầu tư; về ngân sách, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy… mà các quy định đã không còn phù hợp hoặc chưa có quy định. Việc này cũng cụ thể hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, đã định hướng cho phép Thành phố thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để tăng tốc phát triển hơn.

"Không phải thành phố phát triển chỉ vì thành phố, mà thành phố phát triển vì cả nước. Cả nước tạo điều kiện để thành phố phát triển và thành phố sẽ đóng góp lại cho sự phát triển chung của cả nước", đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh và đề nghị, các cơ quan báo chí chủ động, tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả, đưa các nghị quyết vào cuộc sống.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng lưu ý đến nhiệm vụ chuyển đổi số trong cơ quan báo chí, xuất bản. Các cơ quan chức năng TPHCM hỗ trợ các cơ quan xuất bản, báo chí Thành phố trong thực hiện giai đoạn 2 của đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025. Đồng thời, gợi ý các cơ chế đặt hàng, cơ chế thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước, hỗ trợ về thuế, về chương trình/ấn phẩm sử dụng ngôn ngữ của dân tộc thiểu số, về nâng cao chất lượng cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên…

Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra, củng cố, chấn chỉnh hoạt động của một số cơ quan báo chí, xuất bản thành phố, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích. Đồng thời có giải pháp để người làm báo thực hiện đúng quy định về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt quy tắc sử dụng mạng xã hội… Các cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu, quán triệt triển khai Quy định 100 và Quy định 101 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hai quy định này quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ tin tưởng, các cơ quan xuất bản, báo chí tiếp tục góp phần củng cố niềm tin, truyền cảm hứng để người dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tích cực tham gia, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM trong giai đoạn mới.

Dịp này, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Sở TT-TT TPHCM, Hội Nhà báo TPHCM khen thưởng các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022. Các đơn có nhóm tác giả, tác giả đoạt giải là Đài truyền hình TPHCM, Báo SGGP, Báo Phụ nữ TPHCM.

Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đổi mới Giải báo chí TPHCM

Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong cho biết, thời gian tới, Hội Nhà báo TPHCM sẽ đổi mới cách thức tổ chức “Giải báo chí TPHCM” hàng năm theo hướng thật sôi động, vui tươi và thắm tình đoàn kết giữa các nhà báo với nhau, giữa nhà báo với cộng tác viên và bạn đọc.

Đồng thời cho rằng việc mở rộng thêm giải thưởng và nâng giá trị giải thưởng thuộc về những công trình tập thể là rất cần thiết. Cùng với đó, TPHCM tiếp tục quan tâm đầu tư chiều sâu, đầu tư có trọng điểm cho các tác phẩm báo chí chất lượng cao để tham gia giải hàng năm. Việc đầu tư đó có thể được thực hiện hiệu quả thông qua cơ chế đặt hàng các cơ quan báo chí mà Thành phố đã triển khai nhiều năm nay.

Tin cùng chuyên mục