Phát huy vai trò là tiếng nói của nhân dân

Báo SGGP vừa tròn 40 tuổi, xác lập một chỗ đứng trang trọng trong báo giới, cũng là chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc. Là một tờ báo Đảng, Báo SGGP đồng thời thể hiện tiếng nói của Đảng bộ TPHCM và tiếng nói của nhân dân TPHCM, thể hiện ý Đảng lẫn lòng dân.

Báo SGGP vừa tròn 40 tuổi, xác lập một chỗ đứng trang trọng trong báo giới, cũng là chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc. Là một tờ báo Đảng, Báo SGGP đồng thời thể hiện tiếng nói của Đảng bộ TPHCM và tiếng nói của nhân dân TPHCM, thể hiện ý Đảng lẫn lòng dân.
 
40 năm qua, Báo SGGP đã thông tin khá đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết sách của Đảng bộ và chính quyền TPHCM, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và động viên, tạo điều kiện để người dân ủng hộ, thực hiện các chủ trương, chính sách. Đồng thời, báo không ngừng phản ánh các ý kiến, nguyện vọng của người dân để các cơ quan chức năng nắm bắt, xử lý, khắc phục. Những người quan tâm và đọc Báo SGGP thường xuyên hẳn nhận thấy nhiều lần báo phản ánh các thiếu sót của chính quyền địa phương hoặc các biểu hiện chưa lành mạnh ở khu dân cư, đều được các cơ quan chức năng trả lời và xử lý kịp thời. Cụ thể như nhiều nơi chấn chỉnh tình trạng tiếp dân chưa thực sự đúng mực, hay khắc phục tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, hiện tượng tệ nạn xã hội, đến việc con hẻm thiếu đèn chiếu sáng, bị ngập nước…

Bên cạnh đó, Báo SGGP cũng động viên, tạo điều kiện để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật, đặc biệt là các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ TPHCM và Đại hội Đảng toàn quốc. Trong mỗi kỳ đại hội đảng các cấp, Báo SGGP luôn là kênh quan trọng để tiếp nhận nhiều ý kiến của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Trong những dịp như vậy, các cơ quan truyền thông đều có chức năng tiếp nhận các ý kiến đóng góp cho các văn kiện của Đảng, nhưng Báo SGGP luôn là một trong những kênh được tin cậy, không phải chỉ vì là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ TPHCM mà còn vì tinh thần cầu thị, khách quan của Báo SGGP trong việc phản ánh nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng.

Trong giai đoạn hiện nay, để không ngừng phát huy vai trò là tiếng nói của nhân dân, Báo SGGP nên quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng cường thông tin hai chiều về các chủ trương lớn của Đảng, của Nhà nước. Báo cần chú ý tính hai chiều một cách đầy đủ. Chiều từ phía Đảng và Nhà nước phải phản ánh cô đọng, có trọng tâm, trọng điểm. Chiều từ nhân dân cũng phải được thể hiện một cách trung thực. Trong quá trình thông tin hai chiều, báo nên thể hiện sự cầu thị thật sự.

Thứ hai, kịp thời phản ánh ý kiến của người dân về các vấn đề của xã hội. Thực tiễn xã hội hiện nay chuyển động rất nhanh, với rất nhiều diễn biến - tích cực nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Báo cần tạo điều kiện để người dân phản ánh nhanh chóng, đầy đủ các mặt đó. Những vấn đề tích cực sẽ góp phần củng cố niềm tin của người dân vào những điều tốt đẹp, tạo sức lan tỏa, thuyết phục mọi người ngày càng tích cực hơn từ trong nhận thức đến hành động. Những điều tiêu cực khi được phản ánh bằng cách thức phù hợp sẽ có tác dụng cảnh báo, nhắc nhở, nhất là với những ý kiến có đề xuất giải pháp, sẽ tác động đến việc điều chỉnh hành vi của nhiều người khác. Do đó, việc phản ánh không đầy đủ, toàn diện hoặc không kịp thời đều hạn chế việc xây dựng xã hội ngày càng tiến bộ, tích cực hơn.

Thứ ba, tăng tính tương tác giữa báo với bạn đọc. Việc tăng tính tương tác là cách làm giúp Ban Biên tập và người đọc trở nên gần nhau hơn. Không chỉ trên báo trực tuyến, ngay cả báo in vẫn có thể tương tác hiệu quả, chẳng hạn đăng ý kiến phản hồi của bạn đọc về các bài viết trên báo; ý kiến tranh luận với bạn đọc khác về một vấn đề nào đó… Ngoài ra, có thể tổ chức các cuộc thi, diễn đàn để qua đó vừa định hướng nhận thức, thẩm mỹ, sở thích… cho người đọc, vừa nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của bạn đọc nói riêng và công chúng nói chung về các vấn đề của xã hội.

Thứ tư, thường xuyên trưng cầu ý kiến của bạn đọc về cả nội dung lẫn hình thức của báo. Việc trưng cầu thông qua hội nghị bạn đọc hoặc phiếu khảo sát, hay thăm dò trên báo điện tử…, không chỉ để nắm bắt mong muốn của người đọc mà còn qua đó ghi nhận các sáng kiến đóng góp với báo. Do đó, báo cần chú trọng việc ghi nhận nhu cầu của người đọc bằng những cách thức phù hợp và có biện pháp cải tiến phù hợp, nhất là trong lúc bản thân báo chí có sự cạnh tranh quyết liệt và nhu cầu của người đọc cũng rất đa dạng như hiện nay.

Là tiếng nói của nhân dân, báo cần lắng nghe và ghi nhận các ý kiến của nhân dân càng nhiều càng tốt, tuyên truyền khách quan và trung thực... Khi đó, sự phản ánh của báo mới càng thuyết phục và hấp dẫn hơn.

VÂN TÂM (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục