Phát huy ý thức giữ gìn an ninh trật tự của công dân

Trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội học tội phạm, khi bàn đến các giải pháp phòng chống tội phạm, người ta đều thống nhất rằng để việc kiểm soát xã hội đạt hiệu quả, tức là để có thể đảm bảo được an ninh trật tự, ngăn ngừa được những hành vi lệch lạc nói chung hay tội phạm nói riêng, xã hội cần đến hai hình thức kiểm soát xã hội, được gọi là kiểm soát xã hội chính thức và kiểm soát xã hội phi chính thức.

Nói đến kiểm soát xã hội chính thức là nói đến các thiết chế chính thức có chức năng điều tiết, kiểm soát hành vi của các cá nhân trong xã hội như công an, luật pháp, tòa án… Những thiết chế kiểm soát xã hội chính thức này là rất quan trọng, nhưng chưa đủ để duy trì trật tự xã hội. Do đó, xã hội cần đến một hệ thống kiểm soát xã hội thứ hai, đó là kiểm soát xã hội phi chính thức. Nói đến kiểm soát xã hội phi chính thức là nói đến vai trò của truyền thông đại chúng và ý thức giữ gìn an ninh trật tự của từng công dân. Khi lực lượng kiểm soát xã hội chính thức như công an, chính quyền, do thiếu hụt về nhân lực hay những lý do khác nên không thể quán xuyến hết mọi việc, những hành động có trách nhiệm của người dân, của dư luận sẽ góp phần lớn vào việc duy trì trật tự xã hội. Chúng ta đã có những cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, hay phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, những phong trào này nhằm khơi gợi sự tham gia của từng người dân vào việc giữ gìn trật tự xã hội.

Trong việc phòng chống tội phạm, sẽ thật khó kéo giảm được tội phạm nếu không có sự tham gia của quần chúng. Xã hội cần rất nhiều người có ý thức, có hành động vì cái chung. Bởi nếu người dân thờ ơ và xem việc kiểm soát các hành vi lệch lạc là nhiệm vụ của Nhà nước, của công quyền chứ không phải của chính mình, thì lúc đó sẽ rất khó để có được một xã hội trật tự, an bình như mong đợi. Do đó, Nhà nước và chính quyền các địa phương cần trân trọng, thúc đẩy sự tham gia của người dân, xem mỗi người dân là một người cộng tác, một người đồng hành với mình. Khi một xã hội mà từng người dân đều “co rút” vào chính mình, thờ ơ với trách nhiệm xã hội thì xã hội đó sẽ phải đối diện với nhiều bất trắc và không thể tiến nhanh trên con đường văn minh được. Kích hoạt tinh thần công dân chủ động phải là một trong những ưu tiên của Nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng.

Thạc sĩ LÊ MINH TIẾN

Tin cùng chuyên mục