Kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương:

Phát triển toàn diện, tin cậy và bền vững

Phát triển toàn diện, tin cậy và bền vững

Hôm qua, 22-7, sau 5 ngày thăm và làm việc tại Trung Quốc, Đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam do Chủ tịch Trần Đức Lương dẫn đầu đã về nước. Trước đó, tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Chủ tịch Trần Đức Lương đã gặp gỡ thân mật với các phóng viên tháp tùng đưa tin chuyến đi của Chủ tịch. Tại cuộc gặp này, Chủ tịch đã trả lời các câu hỏi phỏng vấn của phóng viên báo SGGP và một số báo khác.

- Phóng viên: Trong các cuộc hội đàm cấp cao của Chủ tịch với đoàn cấp cao Trung Quốc đều đề cập đến mối quan hệ tin cậy, bền vững. Xin Chủ tịch cho biết rõ hơn về điều này?

Phát triển toàn diện, tin cậy và bền vững ảnh 1

Chủ tịch nước Trần Đức Lương (giữa) thăm Trung tâm giới thiệu khoa học và kỹ thuật hiện đại về nông nghiệp ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

- Chủ tịch nước TRẦN ĐỨC LƯƠNG: Nhiều năm nay, dưới sự thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, mối quan hệ hai nước phát triển hữu nghị, toàn diện, bền vững lâu dài. Trong các cuộc tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các ngành, địa phương của Trung Quốc lần này, hai bên đều tỏ rõ sự đồng thuận cao là phải phát huy kết quả những kết quả trong thời gian qua, để những năm tới quan hệ phải toàn diện và có chiều sâu hơn.

Tăng cường độ bền vững và tin cậy lẫn nhau. Đó là nét chính nhất trong chuyến thăm lần này. Bên cạnh đó, hai bên cũng lưu ý, nhấn mạnh đến việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, khoa học - văn hóa - giáo dục. Đó là nét nổi bật về quan hệ hai nước trong giai đoạn hiện nay.

- Kết quả hợp tác kinh tế thương mại đạt được trong chuyến đi này rất lớn, lần đầu tiên với hàng tỷ USD giá trị các hợp đồng. Chủ tịch bình luận gì về kết quả này?

- Theo tôi, muốn có hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài thì ta phải chú trọng mọi mặt như chính trị, ngoại giao, giáo dục, an ninh, kinh tế... Đó là sắc thái hiện nay trong quan hệ Việt – Trung. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới yêu cầu phát triển kinh tế bao giờ cũng là nền tảng của các mặt hoạt động, các mối quan hệ khác. Nói chung cả hai nước đều phát triển kinh tế theo định hướng XHCN.

Quan hệ ta và Trung Quốc tăng lên nhiều. Trung Quốc trở thành bạn hàng lớn nhất của ta. Điều này sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu của ta lớn. Vì thế, ta phải cố gắng nhiều trong việc đẩy mạnh xuất khẩu. Phía Trung Quốc hứa sẽ giúp đỡ ta xuất khẩu thủy - hải sản, sản xuất hàng tiêu dùng có tiềm năng. Nhiều người rất lo lắng cho nhập siêu. Nhưng ta đang công nghiệp hóa, phải xây dựng nhiều xí nghiệp công nghiệp, áp dụng công nghệ mới thì chiều hướng nhập khẩu thiết bị, công nghệ... là đương nhiên.

Vấn đề là ta phải đẩy mạnh xuất khẩu, ta cũng phải phấn đấu cải cách cơ cấu hàng xuất khẩu. Ta đang có cơ cấu xuất khẩu lạc hậu, chủ yếu xuất hàng gia công. Phía Trung Quốc sẽ khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà máy tại nước ta để xuất khẩu hàng hóa, kể cả xuất khẩu về Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam quy mô nhỏ, hướng tới sẽ nhiều dự án lớn hơn và đang được chuẩn bị. Hướng chung là sẽ thúc đẩy đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam.

- Trong quan hệ kinh tế Việt - Trung, lâu nay chỉ mạnh về buôn bán. Trong khi đó, tồn tại về việc đầu tư và thực hiện khoảng gần 20 hiệp định, thỏa thuận cấp nhà nước triển khai chậm. Xin Chủ tịch cho biết, các cuộc hội đàm cấp cao lần này có đề ra biện pháp nào khả thi để sớm khắc phục?

- Tôi không theo sát lắm 20 hiệp định. Nhưng trong triển khai cơ chế về quan hệ hợp tác, thúc đẩy thực hiện của hai bên có những cái chậïm. Chính vì thế, trong chuyến thăm lần này và năm nay kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, ở quan hệ cấp cao cũng như các bộ, ngành các địa phương đã được thúc đẩy và được ghi nhận có quyết tâm lớn không phải chỉ trong kinh tế mà trong lĩnh vực khác. Hiệp định đã ký có khoản cần phải đưa nội dung cam kết vào đời sống và thúc đẩy nhanh việc thực hiện. Giao lưu, hợp tác ở các bộ, ngành cũng đang thúc đẩy theo tinh thần đó.

Phát triển toàn diện, tin cậy và bền vững ảnh 2

Chủ tịch nước Trần Đức Lương (thứ hai bên phải) thăm Công ty hữu hạn Hoa Vi ở đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Quảng Đông), một tập đoàn lớn về công nghệ viễn thông.

- Trong chuyến công tác này, Việt Nam và Trung Quốc có những bước tiến mới nào trong việc giải quyết những tồn tại về biên giới, lãnh thổ, lãnh hải và tuần tra, khai thác ở vịnh Bắc bộ?

- Những năm vừa qua có hai sự kiện lớn: hai nước ký Hiệp định phân định biên giới trên bộ. Có thể nói, trong lịch sử rất dài, chưa bao giờ chính phủ hai nước ký hiệp định có tầm vóc lớn như vậy nhằm xây dựng biên giới ổn định lâu dài.

Từ đó đến nay, việc thực hiện có nhiều tiến triển nhưng còn nhiều việc phải làm. Tinh thần lần này là thỏa thuận thúc đẩy đi vào thực hiện cụ thể để cuối năm 2008 cơ bản hoàn thành cắm mốc và ký hiệp định mới về quy chế quản lý biên giới, thay hiệp định tạm thời năm 1991. Đấy là thỏa thuận quan trọng.

Thứ hai là Phân định vịnh Bắc bộ và Hiệp định nghề cá vịnh Bắc bộ. Sau khi ký xong cũng đang được triển khai. Nhưng có hai vấn đề đặt ra: phải có phối hợp chính phủ và bộ, ngành hai nước triển khai quy chế bảo vệ nguồn lợi thủy sản vịnh Bắc bộ, triển khai cụ thể quy chế đánh bắt cho cư dân đánh bắt thủy sản thực hiện đúng hiệp định và chống tội phạm. Do đó, cần phải có quy chế về tuần tra chung như ta hợp tác với Thái Lan ở vùng biển Tây-Nam rất hiệu quả. Trong cuộc hội đàm lần này, hai bên nhất trí ký kết thực hiện tuần tra chung trong năm nay.

Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ có điều khoản: Đối với những cấu tạo địa chất có khả năng có dầu khí vắt ngang đường phân định thì hai bên có thể có hợp đồng cùng hợp tác thăm dò khai thác. Vấn đề này vừa được thỏa thuận nguyên tắc để thực hiện.

- Thưa Chủ tịch, trong chuyến thăm này, hai bên còn đạt được thỏa thuận nào về an ninh, quốc phòng?

- Đây là vấn đề được cả hai nước quan tâm và đã có những thỏa thuận quan trọng, phản ánh yêu cầu và lợi ích hai bên trong việc giữ gìn an ninh hai nước, khu vực và quốc tế. Lần này cấp cao không ký thêm thỏa thuận mới nhưng đã thống nhất sớm chỉ đạo đưa vào triển khai cụ thể. Tham gia chuyến đi này có lãnh đạo Bộ Công an. Các đồng chí ấy bàn biện pháp triển khai cụ thể.

- Xin cảm ơn Chủ tịch! 

NAM QUỐC (ghi)
 

Chiều tối 22-7, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Từ trên máy bay, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã gửi điện cảm ơn tới Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào về sự đón tiếp trọng thể, chu đáo, đầy tình nghĩa đồng chí anh em dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Trước đó, sáng 22-7, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đến thăm Trung tâm triển lãm công nghệ nông nghiệp hiện đại Quảng Tây tại thành phố Nam Ninh. Trong khi tham quan các khu vườn ươm, trồng các loại rau quả, hoa, nông phẩm sạch, Chủ tịch nước đã trao đổi với lãnh đạo trung tâm việc nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ của công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Tiếp đó, Chủ tịch nước đã đến thăm Học viện Dân tộc Quảng Tây, nơi có hơn 12.000 sinh viên các dân tộc đang theo học. Lãnh đạo học viện cho biết học viện thành lập chuyên ngành tiếng Việt từ năm 1964 và hiện nay đang áp dụng mô hình đào tạo độc đáo 3+1 (3 năm học ở Quảng Tây và 1 năm du học tại Việt Nam). Học viện có quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo đại học tại Việt Nam như các trường đại học ngoại ngữ, khoa học và xã hội nhân văn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đại học Đà Nẵng... Hiện nay, học viện có 100 sinh viên Việt Nam học dài hạn chuyên ngành Hán ngữ và khoảng 100 sinh viên khác thuộc diện học nâng cao. Buổi chiều, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đến thăm Trung tâm triển lãm Trung Quốc - ASEAN, nơi hàng năm diễn ra hội chợ lớn giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Tại buổi gặp Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Tào Bá Thuần và các lãnh đạo địa phương, Chủ tịch nước Trần Đức Lương phát biểu bày tỏ mong muốn Quảng Tây, nơi có nhiều cửa khẩu với các tỉnh biên giới Việt Nam, tạo điều kiện để tăng lượng hàng hóa Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng rau quả, thủy sản. Quảng Tây và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam phối hợp chặt chẽ, tích cực, năng động trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác, trong đó có dự án hợp tác về giao thông vận tải, nhằm đón đầu chủ trương thành lập “hai hành lang một vành đai kinh tế” mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí cũng như phát huy những lợi thế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục