Phiên chất vấn thứ hai tại Quốc hội - Chờ các bộ trưởng hành động

LTS: Ngày thứ hai trong phiên chất vấn - trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đã được cử tri đặc biệt quan tâm đón đợi bởi những vấn đề sát sườn trong cuộc sống, từ thực trạng nền giáo dục nước nhà đến tình hình giá cả, xăng dầu… Theo dõi phiên họp qua trực tiếp truyền hình, nhiều bạn đọc tiếp tục gửi đến Báo SGGP ý kiến nhận xét, phản hồi.
Phiên chất vấn thứ hai tại Quốc hội - Chờ các bộ trưởng hành động

LTS: Ngày thứ hai trong phiên chất vấn - trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đã được cử tri đặc biệt quan tâm đón đợi bởi những vấn đề sát sườn trong cuộc sống, từ thực trạng nền giáo dục nước nhà đến tình hình giá cả, xăng dầu… Theo dõi phiên họp qua trực tiếp truyền hình, nhiều bạn đọc tiếp tục gửi đến Báo SGGP ý kiến nhận xét, phản hồi.

  • Chưa thỏa mãn

Cử tri mong chờ nhiều bức xúc, kiến nghị của mình được đại biểu Quốc hội truy vấn đến cùng. Thế nhưng, tôi chưa thấy không khí đó tại kỳ họp lần này. Chất lượng phiên chất vấn cho đến thời điểm này theo tôi là không cao. Còn nhiều câu hỏi chung chung như giải pháp nào, ý kiến bộ trưởng ra sao. Nhiều đại biểu diễn giải quá nhiều mà không đi thẳng vào câu hỏi.

Dường như các Bộ trưởng chưa chuẩn bị thật kỹ nội dung để trả lời chất vấn. Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) hỏi về quan điểm phân biệt người tốt nghiệp đại học trong và ngoài công lập thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vẫn chưa thể hiện rõ và chưa có giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường dân lập.

Theo tôi, thực tế một số địa phương từ chối người tốt nghiệp tại chức, dân lập, cũng là một cảnh báo nghiêm túc để chấn chỉnh lại chất lượng đào tạo những hệ học này. Các trường đã ồ ạt tuyển hệ tại chức, chương trình học thì cắt xén, học sinh không đảm bảo thời gian học tập, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo thiếu đủ bề.

Về phần chủ tọa (Chủ tịch QH) điều hành về thời gian như vậy cũng căng. Người chất vấn, người trả lời phải nói được hết ý thì mới ra câu hỏi ý nghĩa chứ? Có nhiều nhắc nhở làm đại biểu lúng túng, mất hứng, dẫn đến đại biểu chất vấn đặt câu hỏi nhanh, đọc nhầm.

LÊ THIÊN NGÂN (Quận Tân Phú)
 

  • Các bộ trưởng đừng hứa chung chung

Về chất lượng giáo dục tôi thấy có vấn đề, ví dụ: trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua học sinh nào đăng ký môn thay thế (lịch sử) thì điểm cao, nhưng thi tuyển vào ĐH thì có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử (chất lượng dạy và học môn lịch sử thấp, nhưng việc coi thi tốt nghiệp THPT quá dễ dãi nên học sinh quay cóp và đạt điểm cao). Mong bộ trưởng hãy chứng tỏ là người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, xin đừng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội hay phát ngôn trước công luận theo kiểu “nói mà như không nói”.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội khi chất vấn nên hỏi ngắn lại, không cần diễn giải dài dòng. Các bộ trưởng phải thể hiện năng lực và trách nhiệm của mình trong việc trả lời chất vấn. Đừng nói chung chung, đừng hứa chung chung như “đang nghiên cứu”, “sẽ đổi mới”, “đánh giá thêm” rồi... để đó. Cử tri đang chờ hành động thực sự của các vị bộ trưởng.

HẠ UYÊN (Tam Kỳ - Quảng Nam)

  • Tại sao chỉ 90% đại biểu Quốc hội thông qua nghị quyết giữ đất trồng lúa?

Quốc hội kỳ này đã biểu quyết thông qua nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia. Nhưng tại sao chỉ có gần 90% đại biểu Quốc hội tán thành và đồng ý thông qua nghị quyết quan trọng đó? Còn trên 10% đại biểu không tán thành này là những ai, họ ở thành thị, nông thôn hay miền núi và họ có dùng cơm gạo trong bữa ăn hàng ngày?

Lúa gạo là vấn đề sống còn của dân tộc ta từ xưa tới nay. Nhiều năm qua, nước ta xuất khẩu gạo và còn phải phấn đấu thêm nữa để cân đối kim ngạch xuất nhập khẩu, ít ra cũng từ nay tới năm 2020. Đảng và Nhà nước rất quan tâm và luôn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trong đó có bảo vệ đất trồng và môi trường sống. Quy hoạch và sử dụng đất nông nghiệp từ 3,9 triệu ha xuống còn 3,8 triệu ha trong vòng 10 năm tới chưa phải là con số đáng mừng vì còn hao hụt, có nghĩa còn bị xâm phạm ít nhiều nhưng dù sao vẫn đáng kể, đáng trân trọng. Thế mà có nhiều đại biểu Quốc hội không tha thiết, không quan tâm.

Ngày nay, đâu đâu cũng biến đất nông nghiệp, trồng lúa và vườn cây trái thành khu công nghiệp và nhà ở hay khu du lịch, vui chơi. Số diện tích lúa ngày càng thu hẹp lại và có nguy cơ biến mất trong thời gian không xa. Việc Quốc hội thông qua được quy hoạch và kế hoạch giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa là điều đáng mừng.

VƯƠNG LIÊM (MTTQVN Quận 1)

Nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Ảnh: ĐỨC TRÍ

  • Bao giờ kiểm soát được giá xăng - dầu, điện?

Các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội dành cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng nóng như sự tăng nhiệt của giá xăng dầu, giá điện và lạm phát vẫn chưa được kéo giảm một cách căn cơ. Câu hỏi làm gì để có thể kiểm soát tình hình lạm phát, quản lý giá cả và tái cấu trúc các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước… được nhiều đại biểu đặt ra. Tuy trả lời thẳng thắn, không né tránh câu hỏi và khẳng định quan điểm công khai, minh bạch trong các lĩnh vực xăng, dầu nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính chưa đưa ra những giải pháp đột phá để có thể kiểm tra, giám sát chuyện lỗ, lãi của các ngành đặc thù này.

Ngành xăng dầu, điện- những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội, vì thế dư luận đòi hỏi vai trò quản lý nhà nước phải tăng cường hơn và Bộ Tài chính phải có biện pháp giám sát, bình ổn giá hiệu quả. Nếu không kiểm soát được giá cả nói chung và giá cả những mặt hàng thiết yếu thì chúng ta không thể phát triển bền vững.

Xung quanh việc Tổng Công ty Điện lực EVN lỗ nặng, hoạt động không hiệu quả nhưng việc lại trả lương, thưởng cao, nhiều đại biểu cho rằng phải phá vỡ thế độc quyền, tạo thế cạnh tranh bình đẳng để ngành điện phải đổi mới, phát triển lành mạnh. Ai cũng hiểu có nhiều việc phải làm và đặt trên vai bộ trưởng nhưng cử tri mong mỏi, hy vọng vào lời hứa sẽ thanh tra toàn diện ngành điện, xăng dầu và kiểm soát giá cả, chỉ số CPI, tái cơ cấu các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước…

NGUYỄN LÊ CHI (Quận Tân Bình)

- Thông tin liên quan:

>> Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn

>> Ngày chất vấn - trả lời chất vấn đầu tiên: Hỏi trúng - trả lời nghiêm

Tin cùng chuyên mục