Vòng tổng tuyển cử tại Anh đang bước vào giai đoạn gay cấn khi cả 7 chính đảng đều ra sức vận động để thu hút lá phiếu cử tri. Một trong những điểm đáng chú ý trong vòng vận động tranh cử lần này là các đảng nhanh chóng chuyển hướng sang chính sách kinh tế để thu hút các phiếu bầu, đặc biệt là trong giới doanh nghiệp và người lao động.
Theo Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist, chính sách kinh tế của mỗi đảng phái sẽ chi phối cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 7-5 tới.
Tuy có sự tham gia của 7 chính đảng nhưng giới phân tích đều cho rằng đây là cuộc đua giữa đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng. Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng David Cameron đón nhận tín hiệu tích cực đầu tiên khi lãnh đạo của 100 tập đoàn lớn vừa gửi thư ngỏ để bày tỏ ủng hộ đối với chính sách kinh tế của đảng này. Số liệu thống kê về tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2014 đang mang lại những lợi thế nhất định cho đảng Bảo thủ. Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) vừa điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 4-2014, theo đó kinh tế Anh tăng trưởng 0,6% thay vì 0,5% như ước tính ban đầu.
Với điều chỉnh này, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Anh trong cả năm 2014 là 2,8%, cao hơn so với con số 2,6% ước tính trước đó. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) và cũng là mức tăng trưởng cao nhất của Anh kể từ năm 2006. Bên cạnh các chính sách kinh tế, Thủ tướng Cameron hứa sẽ cung cấp một chính sách nhập cư kiểm soát và công bằng nếu được tái cử.
Trong khi đó, Công đảng đối lập do ông David Miliband lãnh đạo đưa ra kế hoạch siết chặt những quy định đối với việc sử dụng “hợp đồng 0 giờ” của giới doanh nghiệp. Đây là một hình thức thuê mướn lao động khá linh hoạt về giờ giấc thời gian, nhưng không đảm bảo về công việc và thu nhập. Theo đề xuất của Công đảng, nếu ký “hợp đồng 0 giờ” trong 12 tuần liên tục, người công nhân có thể được chuyển sang hợp đồng tuyển dụng bình thường với công việc và thu nhập ổn định.
Theo kết quả thăm dò dư luận của hai hãng tư vấn Populus và Hanover thực hiện, cuộc đua tranh tại tổng tuyển cử sẽ diễn ra căng thẳng và sít sao khi các chính đảng khó có thể bứt phá để giành đa số phiếu, đủ để thành lập chính phủ. Cả đảng Bảo thủ cầm quyền hiện nay lẫn Công đảng đối lập, đều khó giành được đa số phiếu cần thiết để tự mình đứng ra thành lập chính phủ kế tiếp tại Anh. Tỷ lệ ủng hộ ông Cameron vượt mức 50% nhưng đối thủ Miliband ở Công đảng cũng đang bám sát với tỷ lệ 46%.
Dù khoảng cách giữa các bên là rất sít sao và đây mới chỉ là giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử, song kết quả này lại khiến các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) không khỏi lo lắng. Bởi nếu đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron giành chiến thắng, khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ nổi lên như một cuộc tranh luận địa chính trị và đặt khối này trước những thách thức lớn về sự toàn vẹn. Nếu ra khỏi EU, Anh vẫn sẽ vững vàng về kinh tế nhưng EU lại phải hứng chịu những thiệt hại lớn, cả về kinh tế, chính trị và quân sự.
THANH HẰNG