Giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè được TPHCM thực hiện từ hàng chục năm trước, song, việc lấy lại vỉa hè ngày càng trở nên cấp thiết khi mật độ người và phương tiện tham gia lưu thông tăng cao. “Văn hóa vỉa hè” tồn tại từ nhiều năm, không chỉ dành cho người đi bộ mà còn liên quan đến văn hóa, kinh tế, xã hội, kết nối giữa nhà ở với đường phố, cuộc sống mưu sinh cho nhiều người như các hoạt động hàng rong, buôn bán.
Vỉa hè không hẳn cứ phải cứng nhắc nghĩ rằng chỉ dành cho người đi bộ qua lại. Người dân, du khách nếu đói bụng, thèm uống một ly cà phê, ăn bịch bánh tráng trộn hay tô phở thì vẫn có thể thưởng thức, miễn không cản trở giao thông và người đi bộ. Thử hình dung nếu vỉa hè tại khu vực trung tâm sau khi lập lại trật tự trở nên thông thoáng, dọc hai bên là những tòa nhà cao tầng, khách sạn, nhà hàng sang trọng, phần lớn cung cấp các dịch vụ cao cấp. Những thứ này ở các nước phát triển không thiếu, thậm chí còn hiện đại hơn rất nhiều. Trên vỉa hè còn có cả đời sống văn hóa, tập hợp nhiều người thuộc nhiều tầng lớp, không gian dài và rộng cũng khác nhau. Nếu không còn hàng rong và thức ăn đường phố mà thay thế bằng các dịch vụ cao cấp thì giá cả đắt đỏ, ít phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của số đông.
Văn minh đô thị và thành phố thông minh, sáng tạo luôn đi kèm với chất lượng cuộc sống người dân, không chỉ có môi trường xanh - sạch - đẹp mà còn phải nhân văn và nghĩa tình, ở đó người nghèo vẫn sống được bằng sức lao động của mình và hưởng lợi từ sự phát triển. Điều đó thể hiện việc chính quyền luôn đứng về phía nhân dân, bảo vệ các thành phần yếu thế dễ bị tổn thương trong tiến trình hội nhập với trào lưu thế giới, phát triển kinh tế.