Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia phải nhanh, hiệu quả hơn

Ngày 8-3, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTGQ).

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang họp trực tuyến với các địa phương về tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang họp trực tuyến với các địa phương về tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Theo Bộ KH-ĐT, năm 2024, tổng kế hoạch vốn cho 3 chương trình MTQG là hơn 72.000 tỷ đồng, gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp, trong đó có 25.000 tỷ đồng là vốn của các năm trước chuyển sang, chiếm tỷ lệ 34,7%.

Kết quả giải ngân kế hoạch vốn được giao 2 tháng đầu năm 2024 (không bao gồm vốn các năm trước được kéo dài) ước đạt khoảng gần 3.265 tỷ đồng, tỷ lệ 12% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước. Đây là nỗ lực của Trung ương và địa phương trong việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản khung để quản lý, hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG.

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG, trong đó quy định 8 cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình MTQG. Ngay sau khi Quốc hội ban hành, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban chỉ đạo các chương trình MTQG đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu để triển khai thực hiện ngay theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.

Văn phòng Chính phủ cho biết, trong thời gian tới còn 7 nhiệm vụ quan trọng về hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn cần tiếp tục được hoàn tất. Hiện Chính phủ, các bộ, ngành đang khẩn trương hoàn thiện.

Tại cuộc họp, các địa phương đều thể hiện cam kết giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư phát triển được giao, thậm chí cả 100% vốn sự nghiệp trong năm 2024.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, chưa bao giờ 3 chương trình MTQG có hành lang pháp lý thuận lợi như hiện nay; Quốc hội đã cho phép mỗi địa phương có 2 huyện được thí điểm trộn vốn các chương trình MTQG, đồng nghĩa với việc cả nước có 104 huyện được thí điểm để các địa phương mạnh dạn làm, từ đó rút ra được kinh nghiệm, các chương trình mới mang lại giá trị.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát tất cả các thông tư, quy định của mình, đặc biệt là những quy định liên quan đến những điều khoản trong Nghị quyết 111 của Quốc hội, xem còn vướng mắc ở đâu thì chủ động đề xuất, sửa đổi.

Đối với 7 nhiệm vụ về thể chế còn lại, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ ban hành kết luận cuộc họp trong đó nêu rõ thời hạn phải hoàn thành những nhiệm vụ này. Các bộ, cơ quan chủ quản chương trình phải có trách nhiệm trả lời hết sức cụ thể, mạch lạc, càng chi tiết càng tốt những kiến nghị của các địa phương; tránh hướng dẫn chung chung theo kiểu chỉ vào điều nào đó, khoản nào đó của một văn bản nào đó khiến địa phương phải đi lục, tìm.

Đánh giá cao các địa phương cam kết giải ngân 100% kế hoạch vốn, bao gồm vốn sự nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương vừa phải chú ý đến cả "tốc độ" và "chất lượng", vừa phải "quyết liệt hơn, nhanh hơn", vừa phải "đúng hơn và hiệu quả hơn" trong tổ chức thực hiện, để các chương trình MTQG mang lại hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đề cao việc giao việc cho cá nhân phụ trách.

Tin cùng chuyên mục