Chuẩn bị cho nội dung nghị sự tại kỳ họp Quốc hội lần này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Trong đó, lĩnh vực giao thông đường bộ được đặc biệt quan tâm, vì tiền phạt mỗi năm mỗi tăng nhưng tai nạn giao thông vẫn nhức nhối, với số người chết vì tai nạn giao thông lên tới cả vạn người mỗi năm. Các đại biểu trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thống nhất quan điểm cần lưu ý: Việc xử phạt vi phạm hành chính về giao thông không phải nhằm mục đích thu tiền phạt, mà cái chính là hướng đến sự giáo dục, để răn đe, phòng ngừa.
Trước tiên tôi xin biểu lộ sự đồng tình với quan điểm đó và xin góp thêm ý kiến trao đổi với ngành chức năng. Lâu nay, mọi người thường thấy hiện tượng rất không hợp lý, ở những chốt ngã tư có đèn tín hiệu giao thông khi có điện thì có mặt một vài cảnh sát giao thông (CSGT), trái lại khi không có đèn tín hiệu giao thông (mất điện) lại không thấy bóng dáng một CSGT nào. Lẽ ra lúc này, rất cần có CSGT đứng ra điều hành giao thông để tránh tình trạng mạnh ai nấy băng qua giao lộ, gây ùn tắc, tai nạn... Thế nên nhiều người dân đã nhận xét có phần mỉa mai là có đèn tín hiệu giao thông thì mới có điều kiện phạt vi phạm, nên mới có người đứng ra để phạt (?!).
Lại có hiện tượng tại những vị trí rẽ trái dễ gây nguy hiểm, lẽ ra CSGT nên đứng đúng ở đây để răn đe những người kém tự giác, phân biệt được người vô tình không biết hay cố ý vi phạm. Thế nhưng CSGT lại đứng khuất ở góc xa, đợi cho vi phạm xảy ra (có nguy cơ gây tai nạn nguy hiểm) rồi mới chặn xe lại để phạt.
Phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ là đúng, phạt nghiêm minh càng đúng trong tình hình đang cần lập lại trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, phải coi đây là công việc thường xuyên nhằm góp phần xây dựng ý thức tham gia giao thông của người dân sống trong một đô thị văn minh, tránh tình trạng làm phong trào, đầu voi đuôi chuột. Điều rất cần quan tâm của ngành chức năng và nhân dân là cùng với việc phạt nghiêm phải loại bỏ được hiện tượng “chia đôi” để miễn phạt.
Theo quy định tại Nghị định 124/2005 và Thông tư 89/2007 của Bộ Tài chính, 100% số tiền phạt vi phạm giao thông được để lại cho các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, với tỷ lệ trích 70% cho lực lượng công an, 10% cho thanh tra giao thông, 10% cho Ban An toàn giao thông và 10% cho các lực lượng khác. Vì vậy, đừng biến quy định trên thành “động lực” phạt! Quy định hiện hành cho phép để lại toàn bộ tiền xử phạt giao thông cho địa phương sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, sẽ phát sinh việc chăm chăm phạt để lấy tiền.
Tóm lại, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhà nước pháp quyền kiểu mới, không chỉ có thực hiện chức năng cai trị mà còn kèm theo nhiều biện pháp giáo dục, răn đe, xây dựng ý thức lành mạnh của cộng đồng và trên hết làm tốt chức năng phục vụ, góp phần chuyển quan niệm về nhà nước từ cai trị sang phục vụ.
Diệp Văn Sơn