Phủ sóng thị trường bằng các cửa hàng tiện lợi

Trước sự thâm nhập của DN bán lẻ nước ngoài, DN bán lẻ nội địa đang phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Một cửa hàng Co.op Smile của Saigon Co.op
Một cửa hàng Co.op Smile của Saigon Co.op
 Để giữ thị phần, các DN bán lẻ đang đẩy mạnh “phủ sóng” thị trường bằng các cửa hàng tiện lợi, hướng tới thị trường nông thôn.

Theo Bộ Công thương, nông thôn là thị trường tiềm năng, tập trung hơn 60 triệu dân, chiếm 70% tổng dân số. Tuy nhiên, kênh bán lẻ hiện đại tại thị trường này chiếm chưa tới 2%. Do đó, thị trường nông thôn được xem là hướng phát triển hợp lý để các DN bán lẻ có thể giữ vững được thị phần và DN Việt cần tích cực đẩy mạnh tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nhằm mở rộng thương hiệu.

Theo các DN, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã mang lại hiệu ứng rất tích cực, tạo cơ hội quảng bá sản phẩm, mở rộng thêm kênh phân phối tại thị trường nông thôn. Từ đó giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức trong việc tiếp cận các sản phẩm mang thương hiệu “Made in Việt Nam” chất lượng cao, phù hợp với thu nhập của người dân. Thông qua chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các nhà bán lẻ nội kết nối với hàng trăm cơ sở sản xuất trong nước nhằm đảm bảo nguồn hàng ổn định, có chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ nội từng bước hợp tác, hỗ trợ các DN trong nước về tài chính, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình sản xuất.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng, đa phân khúc của người tiêu dùng, bên cạnh đẩy mạnh phát triển nhanh mạng lưới các hệ thống kinh doanh hiện hữu, Saigon Co.op cũng nghiên cứu phát triển các mô hình phân phối mới. Năm 2017, Saigon Co.op đưa ra kế hoạch phát triển mạng lưới và xây dựng mô hình kinh doanh mới, gồm: 8 - 10 Co.opmart, 1 Co.opXtra, 1 Sense City, 65 Co.op Food, 500 cửa hàng Co.op Smile; đồng thời triển khai mô hình kinh doanh mới Co.opmart finest...

Với lợi thế linh hoạt về diện tích kinh doanh, các mô hình bán lẻ của Saigon Co.op không ngừng phát triển nhanh chóng, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng bình ổn thị trường, hàng chất lượng đến tận tay người người tiêu dùng. 

Một đơn vị lớn khác là Tập đoàn Vingroup cũng đẩy mạnh liên kết và hỗ trợ các DN trong nước tiêu thụ hàng hóa thông qua chương trình đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa. Tập đoàn này đã ký kết hợp tác với hàng trăm các DN Việt thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản (thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ chơi, hàng gia dụng, thực phẩm tươi sống, thời trang, bông vải sợi) từ 18 tỉnh, thành trên toàn quốc. 

Trong cuộc đua mở cửa hàng tiện lợi hiện nay còn có Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) với chuỗi 105 cửa hàng Satrafoods tại TPHCM. Chuỗi bách hóa xanh của Công ty Thế giới Di động đã có trong tay 50 điểm bán, dự kiến sẽ mở 350 cửa hàng trong năm 2017. Hầu hết các nhà bán lẻ mở cửa hàng tiện lợi đều đảm bảo triển khai các dịch vụ tiện ích thu hộ như: cước điện thoại di động trả sau, cước điện thoại cố định, cước internet, cước truyền hình, dịch vụ ATM, chuyển tiền...

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, thị trường bán lẻ hiện đại (kênh cửa hàng tiện ích, minimart) ở Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống với mật độ một cửa hàng phục vụ cho 69.000 người. Vì vậy, kênh cửa hàng tiện ích, minimart tại Việt Nam được dự đoán sẽ còn tăng trưởng mạnh trong tương lai; đồng thời là một trong những phân khúc sôi động trong ngành bán lẻ.

Tin cùng chuyên mục