Khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng san bằng thành phố 3.000 năm tuổi Nimrud, Iraq, vô số hiện vật đã bị mất. Có những nhóm bí mật làm việc để hy vọng một ngày không xa phục dựng lại các di tích này thông qua mô hình 3 chiều.
Hay khi truyền hình chiếu cảnh các tay súng IS đập vỡ bức tượng tại Bảo tàng Mosul (Iraq) trong tháng 2-2015, hai nghiên cứu sinh tiến sĩ Chance Coughenour và Matthew Vincent nhận ra rằng họ có thể sử dụng kỹ thuật này để tái tạo lại những bức tượng bằng kỹ thuật số. Và dự án Mosul ra đời - bắt đầu với Bảo tàng Mosul nhận thu giữ hình ảnh của mọi người. Sau đó, các tình nguyện viên đăng nhập vào để giúp sắp xếp các hình ảnh và những người có chuyên môn sẽ bắt tay vào công việc phục dựng lại các hiện vật. Dự án Mosul cho đến nay đã nhận được hơn 700 bức ảnh, trong đó có 543 hiện vật từng trưng bày ở Bảo tàng Mosul.
Đền Palmyra ở Syria - di tích vừa bị IS phá hủy
Kỹ thuật này có thể hữu ích trong việc xây dựng bản sao không chỉ của các di vật bị phá hủy hoặc bị mất mà còn có thể tạo các bản sao của những hiện vật đang được trưng bày nhưng bị thời gian làm hao mòn. Bằng cách này, các phiên bản thật có thể lưu giữ trong những điều kiện đặc biệt hơn và an toàn hơn.
Cũng để cứu vớt di sản, một nhóm các chuyên gia tương tự như trong bộ phim Monuments Men đang hợp tác với nhau để thu thập và thu giữ các hình ảnh 3 chiều của những đền đài, di tích ở Trung Đông bị IS phá hủy.
Tuy nhiên, không giống như bộ phim do George Clooney đóng mà ở đó, một nhóm các chuyên gia hình ảnh được cử đến các vùng do Đức Quốc xã chiếm đóng ở châu Âu trong Thế chiến II để dựng lại các di tích, các chuyên gia trong kế hoạch khôi phục những di tích do IS phá hủy đã lập kế hoạch thu nhận các hình ảnh 3D càng nhiều càng tốt về các di tích để sau này có thể phục dựng dễ dàng hơn. Tờ Independent cho biết, những bức ảnh và những đoạn phim video như vậy là do người dân địa phương và du khách ghi lại. Dự án nói trên chi phí 2 triệu bảng Anh doViện Khảo cổ học kỹ thuật số (IDA) ở Oxford (Anh) lập ra.
Các số liệu thống kê cho thấy, trong hơn 4 năm qua kể từ khi cuộc nội chiến tại Syria bùng phát và sự nổi lên của IS, tại Syria, hơn 300 di tích lịch sử đã bị hư hại, phá hủy hoặc bị cướp phá. Mới nhất, hồi đầu tuần này, IS đã phá hủy một ngôi đền 2.000 tuổi ở Palmyra, Syria. Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục LHQ (UNESCO) đã lên án vụ tàn phá ngôi đền là “tội ác chiến tranh”. Ông Roger Michel, giám đốc của IDA, cho rằng Palmyra trở thành biểu tượng mới nhất của chính sách phá hoại di tích văn hóa của IS.
IDA và UNESCO có kế hoạch để thu thập khoảng 5 triệu hình ảnh vào cuối năm nay và 20 triệu vào cuối năm 2016. Các hình ảnh cũng sẽ được sử dụng để giúp cảnh sát bắt người buôn lậu cổ vật từ những di tích bị cướp phá. Những hình ảnh này bao gồm cả vị trí theo định vị GPS và ngày tháng ghi hình có thể truy ra nguồn gốc của các vật thể bị cướp phá bán ra ngoài. Ông Michel hy vọng bằng quy tập các hồ sơ về quá khứ của các di tích trong lĩnh vực kỹ thuật số, ý muốn của IS phá hoại vĩnh viễn các di tích là điều không tưởng.
KHÁNH MINH