PTT xuất hiện, PVN lo mất thế độc quyền

Quyết tâm đầu tư
PTT xuất hiện, PVN lo mất thế độc quyền

Gần đây, dư luận quan tâm về tính khả thi của dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội mà Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) dự kiến sẽ đầu tư tại Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội của tỉnh Bình Định. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy phía nhà đầu tư và tỉnh Bình Định rất quyết tâm trong việc triển khai dự án này.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất là cơ sở lọc hóa dầu đầu tiên của nước ta, nhưng sẽ bị lép vế nếu PTT triển khai, vận hành.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất là cơ sở lọc hóa dầu đầu tiên của nước ta, nhưng sẽ bị lép vế nếu PTT triển khai, vận hành.

Quyết tâm đầu tư

Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội được tỉnh Bình Định và PTT đàm phán đã 3 năm. Lý do nhà đầu tư PTT chọn Bình Định để triển khai dự án này, theo ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định là do KKT Nhơn Hội được đầu tư hạ tầng khá đồng bộ, lại nằm giữa hai đầu đất nước, nên có thể cung cấp sản phẩm thuận lợi đến các nước trong khu vực.

Ngoài ra, vị trí xây dựng có mặt bằng rộng, đất sạch, phía Đông có dãy núi chắn ngang, được ngăn cách với khu dân cư của thành phố bằng một vịnh biển. Trong khu vực này có cảng biển container, địa điểm hút dầu thô có thể xây dựng cách nhà máy 2km (nhiều nhà máy khác thường trên 20km); có thể sử dụng nguồn nước ngọt từ sông Kôn… Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng vừa khởi công xây dựng trạm biến áp 110KV và nhánh rẽ tại đây, càng tạo điều kiện tốt hơn để triển khai dự án.

* Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

"Quan trọng nhất là xem tính thực chất của dự án, tránh quy hoạch “treo”, còn lại cần dựa trên lợi ích quốc gia để quyết định, tránh thiên vị cho bất cứ doanh nghiệp nào"

Sau thời gian dài nghiên cứu, khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cuối tháng 11-2012, PTT đề xuất triển khai dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội với quy mô 2.000ha, tổng vốn đầu tư 27 tỷ USD, công suất 660.000 thùng/ngày (30 triệu tấn/năm), sử dụng 15.000 lao động trực tiếp.

Phó Tổng giám đốc PTT Sukrit Surabotsopon cho biết, khi đi vào hoạt động, giá trị sản xuất của dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội có thể chiếm 10% GDP của nước ta.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư duyên hải miền Trung diễn ra vào ngày 22-3-2013 tại TP Đà Nẵng, UBND tỉnh Bình Định và PTT đã chính thức ký kết bản ghi nhớ về việc triển khai dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội, đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho tiến trình chuẩn bị của dự án này, mở ra hướng phát triển mới cho KKT Nhơn Hội trong tương lai.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho biết: Sau khi được Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch của ngành lọc hóa dầu Việt Nam và cho phép triển khai, dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội sẽ là dự án có quy mô lớn của Đông Nam Á đến thời điểm hiện nay. Hiện tại, nhà đầu tư đã hoàn thành việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đã thông qua tỉnh, trên cơ sở có sự tham gia góp ý của một số chuyên gia và nhà khoa học đầu ngành trong nước.

Dự kiến, tiến độ của dự án như sau: Giai đoạn 2012 - 2015 triển khai công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, đồng thời hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư; đến năm 2016 khởi công xây dựng và đến năm 2019 đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Bình Định khảo sát KKT Nhơn Hội.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Bình Định khảo sát KKT Nhơn Hội.

PVN mất thế độc quyền

Dự án nhà máy lọc dầu 27 tỷ USD đang được xúc tiến đầu tư tại Bình Định đang có nhiều luồng dư luận. Trong khi các bộ, ngành đang băn khoăn thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã kịch liệt phản đối. Theo một chuyên gia kinh tế, việc PVN phản đối là điều có thể lý giải được, bởi “miếng bánh” khai thác dầu thô, nhập khẩu xăng dầu, tiêu thụ các chủng loại sản phẩm cũng như giá cả… lâu nay đều do Petrolimex - “người nhà” của PVN đảm nhận. Vậy nên, tự dưng xuất hiện một nhà máy với vốn đầu tư 100% nước ngoài mà từ khâu sản xuất, chế biến đến kinh doanh sản phẩm đều do họ tự đảm nhận, PVN chẳng có phần nào trong đó, nên họ phản đối là phải.

Hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất công suất 6,5 triệu tấn/năm, bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng 30% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, mỗi khi nhà máy này bị sự cố là các đầu mối nhập khẩu xăng dầu lại vin vào đó để… tăng giá các loại sản phẩm, dù khi dừng sản xuất, lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị chủ quản Nhà máy lọc dầu Dung Quất) đã thông báo trước cả mấy tháng.

Hơn thế, do công nghệ của Nhà máy lọc dầu Dung Quất là chế biến dầu thô ngọt, nhưng gần đây lượng dầu thô này từ mỏ Bạch Hổ ngày càng cạn kiệt, buộc đơn vị vận hành phải đề xuất nhập khẩu dầu thô chua từ nước ngoài về chế biến. Nay, nếu PTT xây dựng nhà máy, đương nhiên họ sẽ tính toán đến dầu thô chua hay ngọt và dù chủng loại nào họ cũng sẽ đặt nặng việc nhập khẩu hơn là sử dụng nhiên liệu tại chỗ để nâng cao hiệu quả sản xuất. PVN lo ngại bởi khi nhà máy lọc dầu 27 tỷ USD được xây dựng và cho ra các chủng loại sản phẩm, PVN sẽ mất thế độc quyền về cung cấp và tiêu thụ xăng dầu.

Đầu năm 2013, tại thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chủ trì cuộc họp nghe PTT và UBND tỉnh Bình Định báo cáo tiền khả thi dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội. Sau đó, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng về dự án này và theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã yêu cầu tỉnh Bình Định làm rõ, bổ sung thêm một số vấn đề kỹ thuật của dự án để tiếp tục trình Chính phủ xem xét, đưa vào quy hoạch dự án tổ hợp lọc-hóa dầu này.

Ngọc Thái - Hà Minh

  • Ông Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Phải chấp nhận cạnh tranh

Các thông tin về dự án này tôi chưa nắm rõ nên chưa thể nói gì nhiều. Nhưng về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp phải chấp nhận cạnh tranh để có lợi cho người tiêu dùng, tăng thu ngân sách Nhà nước cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động. Với dự án này, Tập đoàn dầu khí Việt Nam phản đối quyết liệt cũng là điều dễ hiểu vì doanh nghiệp bao giờ cũng muốn “một mình một chợ”, không muốn có cạnh tranh. Nhưng xét về cạnh tranh mang tính quốc gia, tôi cho rằng nếu dự án có lợi ích rõ ràng, phải làm để mang lại lợi ích cho dân, cho nước. Tuy nhiên, với một dự án lớn như vậy các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xem xét rất kỹ lưỡng tất cả các vấn đề liên quan.

  • VS-TSKH Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Xem xét tác động môi trường

Đây là một dự án lớn, vì thế khi cần Hội đồng Tư vấn về Kinh tế của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam với nhiều giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia về kinh tế sẽ phản biện các vấn đề liên quan. Theo thông tin sơ bộ trên báo chí, tôi cho rằng, có rất nhiều vấn đề liên quan đến dự án này cần phải xem xét. Đối với một “siêu dự án” không thể vội vàng trong một ngày hai ngày, cần thời gian để thẩm định. Một siêu dự án 27 tỷ USD chắc chắn phải xem xét rất thận trọng.

Thứ nhất về 1/3 số vốn mà đối tác Việt Nam bỏ ra, phải tính toán ở đâu ra, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thứ hai, ngoài vấn đề cạnh tranh còn lo ngại sẽ ô nhiễm môi trường, vì làm hóa lọc dầu tác động lớn đến môi trường biển. Vì thế, với dự án này điều quan trọng là chủ đầu tư phải hoàn thiện dự án tiền khả thi để Chính phủ, các chuyên gia thảo luận.

  • Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Động lực để PVN phát huy năng lực

Tôi cho rằng dự án này là một dự án tốt vì nhiều lẽ: nó giúp nâng 3 lần công suất chế biến dầu của Việt Nam, tạo ra nguồn cung chủ động cho thị trường, tránh cho Việt Nam bị lệ thuộc vào nguồn cung dầu ẩn chứa khá nhiều rủi ro của thế giới; đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, nâng cao nguồn thu cho cả nước nói chung và ngân sách của tỉnh Bình Định nói riêng – một tỉnh còn nhiều khó khăn.

Điều này cũng sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, tạo ra thêm nhiều việc làm, thu hút các chuyên gia và lao động chất lượng cao quốc tế về chuyên ngành hóa dầu đến làm việc; tạo động lực để hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao của ngành hóa dầu, một ngành công nghệ cao đang được khuyến khích phát triển… Do đó, tôi không thấy lý do khách quan nào để phản đối dự án này. 

Lâm Nguyên - Anh Thư ghi

Tin cùng chuyên mục