Quá lãng phí

Qua đường dây nóng, bạn đọc Báo SGGP phản ánh tình trạng xuống cấp, hoạt động không hiệu quả của các trung tâm văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng (gọi tắt là Trung tâm văn hóa cộng đồng - VHCĐ) tại tỉnh Đồng Nai. Được đầu tư từ vài trăm triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng để xây dựng và hỗ trợ hoạt động 65 triệu đồng/năm, nhưng các trung tâm này chỉ hoạt động cầm chừng khiến cho dư luận hết sức bức xúc.

Qua đường dây nóng, bạn đọc Báo SGGP phản ánh tình trạng xuống cấp, hoạt động không hiệu quả của các trung tâm văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng (gọi tắt là Trung tâm văn hóa cộng đồng - VHCĐ) tại tỉnh Đồng Nai. Được đầu tư từ vài trăm triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng để xây dựng và hỗ trợ hoạt động 65 triệu đồng/năm, nhưng các trung tâm này chỉ hoạt động cầm chừng khiến cho dư luận hết sức bức xúc.

Trung tâm VHCĐ xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) được đầu tư 400 triệu đồng để xây dựng với mục đích làm nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục, tổ chức hội họp cho người dân địa phương. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, trung tâm này bị bỏ không, thỉnh thoảng mới được trưng dụng làm nơi mở lớp học, tập huấn cho nông dân hoặc làm hội trường hội họp. Hiện nay trung tâm đang xuống cấp, nền móng bị rạn nứt, sụt lún, bong tróc nhiều nơi, cửa kính vỡ gần hết không khác gì nhà hoang. Khuôn viên trở thành kho chứa những thiết bị hư hỏng. Sân bóng đá toàn đá sỏi, nên chẳng ai dám vào sân.

Tương tự, Trung tâm VHCĐ xã Tân Bình được đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng trên diện tích hơn 5.000m², nhưng đến nơi chúng tôi chỉ thấy 3 người là phó giám đốc trung tâm, lao công và bảo vệ mà không thấy bóng dáng người dân nào. Hay Trung tâm VHCĐ xã Phước Tân (thành phố Biên Hòa) được xây dựng khá kỳ công, hoành tráng, cũng vắng như “chùa bà đanh”. Người dân địa phương cho biết, hàng ngày trung tâm chỉ mở cửa từ 5 giờ đến 7 giờ sáng và từ 17 giờ 30 đến 20 giờ.

 “Chủ yếu là cho mấy lãnh đạo của xã vào chơi cầu lông, rồi sau đó khóa lại. Người dân có muốn vào chơi cũng chịu vì đâu có chìa khóa. Lâu lâu mới thấy người ta tổ chức hội họp. Nhưng nếu bỏ hàng tỷ đồng để xây một cái hội trường kiểu này thì quá lãng phí” - một người dân cho hay. Còn Trung tâm VHCĐ xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) dù mới được xây dựng khá khang trang, nhưng khi chúng tôi tới trong giờ hành chính cũng không một bóng người.

Bà Lê Đỗ Kim Chi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình kiêm Giám đốc Trung tâm VHCĐ xã, lý giải: “Việc xây dựng Trung tâm VHCĐ xã là cần thiết, bởi với những khu vực ngoại thành rất cần có những điểm như vậy để người dân có nơi sinh hoạt, tham gia hoạt động văn hóa thể thao và học tập. Tuy nhiên, do ban ngày người dân trong xã đi học, đi làm, nên trung tâm chủ yếu hoạt động vào buổi chiều.

Ông Trần Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An, Giám đốc Trung tâm VHCĐ xã Tân An, giãi bày: “Thời gian qua, chúng tôi phải hoạt động cầm chừng. Bởi việc đầu tư Trung tâm VHCĐ trước đây chưa đồng bộ. Chủ đầu tư bàn giao cho xã một cái xác nhà, không đúng chức năng để làm nhà thi đấu mà cùng lắm chỉ làm hội trường để họp. Trang thiết bị thì thiếu thốn, đến bàn ghế cũng không có. Kinh phí thì hạn hẹp, mỗi năm đơn vị được cấp 65 triệu đồng. Cán bộ nhân viên trung tâm đều là người kiêm nhiệm…”. 

TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục