Quân bài “nữ khủng bố” của IS

Người đứng đầu Tổng cục Tình báo và chống khủng bố thuộc Bộ Nội vụ Iraq Abu Ali al-Basri tiết lộ với truyền thông Iraq rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyển mộ phụ nữ để tiến hành các vụ tấn công khủng bố, tấn công liều chết ở một số quốc gia.
IS tuyển mộ phụ nữ để thực hiện tấn công khủng bố
IS tuyển mộ phụ nữ để thực hiện tấn công khủng bố

Đánh bom liều chết

Theo ông Basri, nhiều phụ nữ được IS tuyển mộ đưa từ Syria tới một số nước khác, trong đó có Sudan. Trong số những phụ nữ này có những đối tượng được tuyển mộ ở Iraq. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế, khái niệm về “nữ khủng bố” không mới. Những năm 1980, tổ chức Những con hổ giải phóng Tamil ở Sri Lanka hay tổ chức khủng bố Chenchen, đầu những năm 2000, đều đã tuyển mộ phụ nữ để thực hiện các vụ tấn công khủng bố. Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ trong các tổ chức khủng bố đã thay đổi trong suốt 1 thập niên qua. Trong đó, IS đã biến ý tưởng khủng bố thành “nhiệm vụ của gia đình” dành cho tất cả thành viên. Vai trò chính của phụ nữ trong IS là “phục vụ nhà nước” thông qua việc sinh sản và giáo dục con trẻ. Theo một thống kê, đến tháng 7-2018, các thành viên nữ của IS đã sinh tổng cộng 730 đứa trẻ. Nhưng trong bối cảnh IS mất lãnh thổ, chúng bắt đầu phân tán, gia nhập các nhóm khủng bố khác và tăng sự phụ thuộc vào việc tuyển dụng các nữ khủng bố.

IS đã dụ dỗ những người phụ nữ bằng thông điệp “sống là một người Hồi giáo tốt” để lôi kéo họ tự nguyện gia nhập IS. Theo một số báo cáo gần đây, phụ nữ chiếm 15%-25% thành viên các tổ chức khủng bố. Với IS, 13% số thành viên người nước ngoài là phụ nữ. Đáng lưu ý, chỉ có 5% số phụ nữ đến Syria và Iraq gia nhập IS năm 2013 trở về quê nhà vào năm 2018, trong khi con số này với các thành viên của IS là đàn ông là 19%. Hiện những nữ khủng bố ngày càng xuất hiện nhiều trong các vụ tấn công. Năm 2017, tổ chức Kiểm soát cực đoan toàn cầu cho biết phụ nữ thường tham gia vào các vụ đánh bom liều chết, với 100 vụ đánh bom do 181 phụ nữ thực hiện (chiếm 11% các vụ tấn công của năm này.)

Quyết diệt hiểm họa

Dù đã bị mất phần lớn lãnh thổ, IS vẫn là một mối đe dọa hiện hữu mà các nước không thể lơ là. Mới nhất, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã tiến hành chiến dịch tại Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga và bắt giữ 2 thành viên của IS. Hai đối tượng trên là người Nga, bị tình nghi đang tiến hành tuyển mộ thành viên cho IS và truyền bá chủ nghĩa khủng bố, đồng thời lên kế hoạch tấn công khủng bố tại Cộng hòa Tatarstan. Khám xét nơi ở của 2 đối tượng này, lực lượng chức năng thu giữ được chất nổ và các thiết bị nổ tự chế. Không lâu trước đó, cảnh sát Tây Ban Nha cũng đã bắt giữ 4 đối tượng, trong đó có 1 phụ nữ Tây Ban Nha, tình nghi là những phần tử của IS trong 2 chiến dịch truy quét khủng bố được thực hiện ở miền Bắc nước này…

Trước những nguy cơ thường trực đến từ IS, nhiều quốc gia, tổ chức đã hành động quyết liệt với mục tiêu sớm diệt tận gốc hiểm họa khủng bố. Tại Iraq, các lực lượng an ninh nước này đã triển khai giai đoạn 2 của chiến dịch truy quét các tay IS đang ẩn náu tại khu vực phía Bắc thủ đô Baghdad và các vùng lân cận. Đích thân Thủ tướng Adel Abdul Mahdi giám sát chiến dịch có tên Victory Will này. Tại Syria, quân đội nước này đã tiến hành chiến dịch nhằm phá hủy các trại huấn luyện các phần tử khủng bố nước ngoài ở tỉnh Idlib, cách thủ đô Damascus 420km về phía Bắc. Iraq và Syria là 2 quốc gia mà IS hoạt động mạnh nhất trong thời gian qua. Trong khi đó, tại châu Phi, Cameroon, Cộng hòa Chad, Niger và Nigeria đã lập một quỹ tài trợ với ngân sách đề xuất ban đầu khoảng 100 triệu USD nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và phiến quân trong khu vực. Tại châu Á, quân đội Indonesia đã cho ra mắt một đơn vị tinh nhuệ mới chuyên trách các nhiệm vụ quân sự đặc biệt, nhất là giải quyết các vấn đề khủng bố… 

Tin cùng chuyên mục