Con đường nhỏ, quán cà phê cũng nhỏ, nằm ẩn mình dưới giàn hoa giấy màu hồng tím. Chủ quán, cũng là chủ nhà, là một đàn ông trung niên, người gốc Quảng Nam. Quán không có tên, chỉ mang địa chỉ căn nhà số 254 Nguyễn Văn Công (phường 3, Gò Vấp, TPHCM). Người dân địa phương và khách hàng của quán thì gọi vui nơi đây là “quán cà phê nhật báo”.
Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì chủ quán Nguyễn Thanh Tân - một người từng trải qua rất nhiều nghề trong cuộc mưu sinh - đã chọn cho quán nước của mình một sắc thái riêng: mua nhiều báo cho khách đến đọc miễn phí. Tại quán nước của ông Tân, trên chiếc kệ có hầu hết các nhật báo quen thuộc với bạn đọc, mỗi ngày luôn được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Khách của quán khá đa dạng nên sở thích đọc báo cũng khác nhau và ông chủ quán cũng rất chiều ý khách. Thấy mọi người hay quan tâm những vụ án hình sự, những thủ đoạn mới của bọn tội phạm, ông đặt thêm tờ Công an TPHCM. Nghe nhiều khách thích bàn chuyện thể thao, ông liền mua tờ Bóng đá. Rồi ông mua thêm tờ Pháp luật TPHCM khi thấy bà con hay kể cho nhau nghe về những bài học kinh nghiệm trong giao dịch mua bán nhà đất hoặc tài sản có giá trị lớn… Cứ thế, quán cà phê của ông trở thành một “thư viện báo mini”, khách hàng có thể hỏi tìm xem lại thông tin trên một tờ báo đã cũ. Mặc dù ông đã tăng mỗi ly nước thêm 1.000 đồng để có chi phí mua các đầu báo nhưng lượng khách đến quán của ông vẫn tăng lên hẳn.
Nếu mọi việc chỉ dừng ở đó thì chuyện “quán cà phê nhật báo” không có gì đáng nói, vì đơn giản đây chỉ là một chiêu để kinh doanh hiệu quả. Ngay ông chủ Nguyễn Thanh Tân cũng bảo rằng ông làm “cà phê báo” chỉ là để kéo được nhiều khách hàng vào quán. Thế nhưng, có một điều tại quán nước này, tuy không treo bảng thông báo nhưng các sinh viên nghèo ở trọ quanh khu vực đều biết rõ: Các sinh viên có thể đến đây ngồi đọc báo thoải mái, miễn phí mà không cần phải gọi nước uống. Nhiều khách quen mỗi ngày đều đặn đến quán, kiếm một chỗ ngồi rồi lần lượt đọc hết hàng chục tờ báo, hết cả buổi trời, vậy mà ông chủ vẫn thoải mái, chỉ yêu cầu đọc xong thì xếp báo ngăn nắp, đúng vị trí.
Khi chúng tôi tìm gặp ông để hỏi về chuyện này, ông Tân ngạc nhiên, bảo: “Chuyện nhỏ nhặt, có gì để mà viết báo! Tui xem mấy đứa sinh viên như con cháu mình! Hai con gái tui cũng là sinh viên Đại học Kiến trúc”. Ông Tân nói gọn lỏn, như một lời giải thích cho việc làm của mình. Quả thật, đây chỉ là một chuyện nhỏ, diễn ra tại một quán cà phê nhỏ, trên một con đường nhỏ trong thành phố ồn ào, sôi động của chúng ta. Thế nhưng, nó vẫn mang đến cho nhiều người một niềm vui nhỏ và thêm niềm tin về tình người trong cuộc sống.
Hoàng Trọng Khôi