Trong bài “Xây dựng môi trường văn hóa trong game online” của Báo SGGP ngày 14-6-2010 cho thấy một số vấn đề về quản lý game online (GO) còn nhiều bất cập, nếu không nói là chưa giải quyết được cốt lõi của GO.
Ông Chu Hòa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử, cho biết: Năm 2009, tiền thuế thu được từ GO là 20 triệu USD (ước hơn 370 tỷ đồng). Chỉ với 17 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GO mà đã mang lại nguồn thu to lớn thư thế, thử hỏi ai nỡ từ bỏ việc kinh doanh GO?
Trước đây, buổi sáng đọc các báo thấy đang mở diễn đàn về tác hại của GO đối với giới trẻ thì cùng ngày, tôi lại thấy truyền hình có chương trình quảng cáo GO mới, với trò chơi bắn súng bạo lực. Rồi trên truyền hình có cuộc phỏng vấn nhà kinh doanh GO, chỉ thấy ông giám đốc công ty cung cấp dịch vụ nói lời bảo vệ nhà kinh doanh còn với người chơi thì tùy, không cấm được, bởi đó là quyền quyết định của người chơi.
Báo chí góp phần định hướng người xem, người nghe mà còn tréo ngoe như thế thì nói gì đến việc tranh luận trên diễn đàn. Có lẽ, tất cả do lợi nhuận thu được từ GO quá lớn nên ít người nghĩ đến mặt tác hại của nó. Mà điều này quá rõ khi nhiều thanh thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật như giết người chỉ để có tiền chơi GO hay nhiều hành vi băng hoại đạo đức khác. Có đại biểu Quốc hội ví việc nghiện GO như nghiện ma túy. Thật đáng suy ngẫm.
Vừa rồi có chị bạn ở Long An nhờ tôi tìm giúp nơi để gửi con trai chị (đang học đại học năm thứ hai ở TPHCM) đi cai nghiệm GO. Cháu mê đến mức nói với cha mẹ là không muốn học nữa và hàng ngày ngồi lì ở tiệm internet. GO rõ ràng có sức gây nghiện mạnh đối với thanh thiếu niên, bởi tuổi các em chưa có ý chí mạnh mẽ để vượt qua cám dỗ của GO.
Theo tôi, quản lý GO trước hết chúng ta phải quản lý phần ngọn, tức không cho kinh doanh GO bạo lực, khiêu dâm, cờ bạc đỏ đen. Đừng vì sợ ta không khai thác thì nước ngoài sẽ chiếm lĩnh và mất đi nguồn thu. Nếu nguồn thu ấy hại cho con cháu ta thì có mất một chút thuế cũng không tiếc.
Vì vậy, đừng vì số tiền thuế thu về từ GO mà chúng ta cứ cho phát triển GO bạo lực (theo thống kê chiếm tới 75% GO) để rồi quản lý bằng hạn chế giờ chơi, lại bị đại lý internet lách luật và không triệt được phần gốc của GO.
Thứ hai, quản lý GO phải bắt đầu từ gia đình, các bậc cha mẹ cũng cần biết chút ít về GO, mới hiểu mà có biện pháp dạy con trẻ. Không thể chỉ giao phó việc dạy dỗ con trẻ cho nhà trường, bởi dù thời gian của các em phần lớn ở trường nhưng muốn chơi GO lại phải có tiền của cha mẹ cho.
Nhiều bậc phụ huynh do bận mưu sinh, ít có thời gian gần gũi, chăm sóc các em nên cứ nghĩ đưa cho trẻ nhiều tiền để bù đắp hay cho trẻ nhiều tiền để bằng anh bằng em. Nhưng có nhiều tiền, nhiều em chỉ biết sa vào GO, một trò chơi được xã hội công nhận và hấp dẫn với các em. Do đó, quản lý tiền bạc chặt chẽ là điều cần làm.
Bên cạnh đó, cần hướng cho các em tham gia những giải trí lành mạnh như: học kỳ trong quân đội, đi du khảo vùng sâu vùng xa, về vùng kháng chiến cũ hay khu di tích lịch sử… giúp các em mở rộng hiểu biết và yêu quý cuộc sống hơn.
Về phía nhà trường, cần khuyên bảo các em, phối hợp với phụ huynh quản lý thời gian học tập, quan tâm tìm hiểu và phát hiện những trẻ có biểu hiện bất thường như sức học đột ngột bị sút kém thì báo ngay cho phụ huynh biết. Ngoài ra, nhà trường cần có biện pháp nghiêm khắc giúp trẻ nhận thấy sai trái của mình mà sửa chữa.
Lê Tăng Định