Quản lý nhà công vụ không khó

Vừa rồi, sau vụ việc một số vị nguyên là lãnh đạo đã thôi nhiệm không tự giác trả lại nhà công vụ, các cơ quan chức năng đã phát hiện có hàng chục trường hợp người thuê nhà công vụ đã hết tiêu chuẩn nhưng chưa trả; một số trường hợp còn sử dụng sai mục đích… Ở đây có cả yếu tố thiếu tự giác của người được thuê nhà công vụ, khi hết nhiệm kỳ công tác, hết tiêu chuẩn nhưng vẫn không chủ động trả, cố tình lờ đi nghĩa vụ.

Trong khi đó, cơ quan quản lý công sản của nhà nước không có động thái tích cực để thu hồi nhà, có trường hợp nể nang nhưng cũng có trường hợp thiếu trách nhiệm.

Trên thực tế, quản lý nhà công vụ không phải là việc làm quá phức tạp. Trước hết, đối tượng được sử dụng nhà công vụ không nhiều, đã được quy định rõ ràng; việc giao sử dụng cũng luôn có văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứ không thể có chuyện nhận nhà một cách tùy tiện. Hơn nữa, người được sử dụng nhà công vụ đều là những người có chức trách, nhiệm vụ nhất định, thường có lòng tự trọng, bởi uy tín, danh dự của họ hẳn lớn hơn nhiều so với giá trị sử dụng của căn nhà đó.

Ngoài ra, nhà công vụ hiện được giao các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, kể cả cấp trung ương hay địa phương và số lượng nhà công vụ cũng không phải quá nhiều để đến nỗi không thể quản lý. Do đó, vấn đề là cách thức quản lý.

Có ý kiến đề xuất thực hiện tin học hóa tất cả nhà công vụ. Theo đó, sẽ lập một cơ sở dữ liệu (số hóa) bao gồm nhà (vị trí, tình trạng sử dụng, các chi tiết), đối tượng sử dụng (tổ chức hoặc cá nhân nào), thời hạn sử dụng (theo nhiệm kỳ hoặc theo quyết định bổ nhiệm, hoặc theo thời hạn sử dụng riêng căn cứ vào quyết định giao nhà)… Đến thời hạn đó, nếu tổ chức, cá nhân được giao tiếp tục sử dụng do kéo dài nhiệm kỳ hoặc lý do khác, thì sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu; ngược lại, nếu người sử dụng hết nhu cầu hoặc hết tiêu chuẩn thì cơ quan chức năng chỉ việc tiến hành thủ tục thu hồi. Đây là biện pháp có tính căn cơ và dài hơi, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và áp dụng trên thực tế.

Nhưng trước mắt, vẫn có những biện pháp cụ thể hơn, trực tiếp hơn. Đó là khi cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định nghỉ hưu, điều chuyển hoặc quyết định nào đó liên quan đến tiêu chuẩn để tiếp tục sử dụng nhà công vụ, thì cơ quan đó nên liên hệ với bộ phận văn phòng, quản trị, hành chính có liên quan để trao đổi về các chế độ kèm theo (như lương, phụ cấp, nhà, xe, chế độ sách báo…), để bộ phận này tham mưu nội dung kèm theo quyết định hoặc ra một văn bản khác để người có trách nhiệm thi hành phải đồng thời thực hiện các quyết định đó. Tức là cá nhân phải đồng thời thực hiện các quyết định liên quan đến vị trí công tác, trên tinh thần là được hưởng chế độ theo quy định, không nên du di, xuê xoa.

Hay đơn giản hơn, cơ quan quản lý nhà công vụ bao giờ cũng có quyết định giao nhà, trong đó ghi rõ thời gian sử dụng, đến hạn thì chỉ cần gửi công văn đến đối tượng được giao nhà, đề nghị xác nhận tình trạng sử dụng nhà (có tiếp tục sử dụng theo quyết định mới về vị trí công tác hay không, hoặc có nhu cầu nào khác không…). Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà công vụ sẽ thực hiện biện pháp phù hợp với từng tình huống cụ thể.

Một so sánh có thể khập khiễng nhưng không thể không suy nghĩ: một sinh viên khi được làm thủ tục tốt nghiệp đại học, bên cạnh tiêu chuẩn về điểm số, học phần, thường được “rà soát” tất cả các nghĩa vụ, như học phí, các khoản đóng góp, sách/tài liệu mượn của thư viện hoặc tổ chức nào trong trường, nợ tiền ký túc xá… Sinh viên nào chưa hoàn thành nghĩa vụ sẽ được nhắc nhở ngay và chỉ được trao bằng khi làm xong các nghĩa vụ đó…

Với cán bộ lãnh đạo, những người có địa vị, có uy tín, lẽ nào lại chây ì, lảng tránh trách nhiệm một cách trơ trẽn? Do đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý phải được thể hiện rõ. Trong trường hợp có người cố tình không trả nhà công vụ, bên cạnh xử lý nghiêm cá nhân đó thì cũng cần xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quản lý nhà và cần thiết có biện pháp xử lý nghiêm.

Có như vậy, sẽ giảm thiểu tình trạng nhà công vụ bị chiếm dụng, bị sử dụng sai mục đích kéo dài.

VÂN TÂM

Tin cùng chuyên mục