Theo quy định pháp luật về lao động hiện hành, hàng năm người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… phải được chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ để theo dõi, phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Đối với người lao động làm những công việc nặng nhọc, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… thì định kỳ 6 tháng phải được người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe một lần. Thế nhưng trong thực tế người lao động trực tiếp làm công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, có nhiều yếu tố rủi ro cao về sức khỏe vẫn không được chủ doanh nghiệp quan tâm, chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ hàng năm.
Nhóm người lao động là công nhân đang trực tiếp làm việc trong ngành xây dựng, thi công, xây dựng các công trình cầu đường bộ, cầu đường sắt trong khắp các địa phương cả nước, làm những công việc nặng nhọc, dưới thời tiết rất khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, khói bụi độc hại và ô nhiễm trầm trọng nhưng thường không được quan tâm, chăm sóc, tổ chức khám sức khỏe định kỳ. Trong khi đó, những người lao động gián tiếp, làm việc tại trụ sở văn phòng của doanh nghiệp luôn được quan tâm, chăm sóc và tổ chức khám sức khỏe định kỳ đều đặn hàng năm để theo dõi, phát hiện bệnh nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp viện lý do người lao động khỏe mạnh cần gì phải tổ chức khám sức khỏe cho tốn chi phí, mất thời gian, hoặc do công trình đang thi công xa trung tâm thành phố, xa khu dân cư… nên rất khó khăn trong việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ.
Trong những chuyến công tác thực tế, tôi có nhiều dịp đến các doanh nghiệp, đơn vị thi công xây dựng công trình. Vào thăm công trường, tôi chứng kiến những người lao động đang làm việc dưới tiết trời oi bức, khói bụi mù mịt, ô nhiễm vây quanh, mồ hôi trên người tuôn ướt đẫm cả lưng áo nhưng không có bất cứ một phương tiện để bảo vệ sức khỏe, mới thấu hiểu được nỗi gian truân, nguy hiểm với người lao động làm việc trên công trường. Cá biệt, nhiều doanh nghiệp sử dụng hàng chục lao động nữ làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại… nhưng nhiều năm liền không tổ chức khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh nghề nghiệp. Thực tế, đã có rất nhiều công nhân lao động bị các căn bệnh mãn tính hành hạ như bệnh phổi, bệnh về đường hô hấp do hít phải nhiều khói bụi độc hại trong khi làm việc. Có không ít trường hợp công nhân lao động bị mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.
Các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, thi công xây dựng các công trình không được phép lơ là, thiếu quan tâm trong việc chăm sóc, tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động. Nhất là công nhân trực tiếp sản xuất, làm những công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm cần được khám sức khỏe để kịp thời phát hiện bệnh nghề nghiệp. Thanh tra sở LĐTB-XH của các địa phương nên thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra thực tế, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động để làm tốt công tác quản lý nhà nước trong việc chăm sóc sức khỏe người lao động cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
NGUYỄN ĐƯỚC (Quận 5, TPHCM)