Theo thông tin đăng trên báo SGGP số ra ngày 24-1-2015, Bộ VH-TT-DL vừa tổ chức hội nghị đánh giá việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý nhà nước về hoạt động karaoke, vũ trường. Qua các ý kiến nêu tại hội nghị này, có cảm tưởng như ngành chức năng quản lý nhà nước đang bị “triệt buộc” bởi sự biến tướng quá quắt của những ngành nghề kinh doanh “nhạy cảm”. Núp đằng sau những bảng hiệu vũ trường, karaoke là hoạt động thu âm trái phép, có tiếp viên múa cột, sử dụng nền nhạc âm lượng quá lớn và kích động, nhiều nơi còn có cả hoạt động mại dâm…
Qua hội nghị này, Bộ VH-TT-DL kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định, quy chế trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa, đồng thời không cấp giấy phép vĩnh viễn mà chỉ cấp phép 2 năm một lần cho các điểm karaoke, vũ trường.
Công bằng mà nói, không phải tất cả vũ trường hay dịch vụ karaoke đều xấu. Ngay tại TPHCM, bên cạnh những điểm karaoke vi phạm pháp luật, bị công an bắt quả tang, cũng có những điểm hoạt động lành mạnh, thuần túy là nơi giải trí cho các bạn trẻ, học sinh, hay là nơi họp mặt, tổ chức sinh nhật, vui chơi của nhiều gia đình. Thế nhưng những nơi này cũng bị “vạ lây” là kinh doanh ngành nghề “nhạy cảm”. Phải chăng vì “nhạy cảm” và ngành chức năng “không quản được” nên dùng biện pháp quản lý là chỉ cấp phép 2 năm, hết hạn lại phải làm thủ tục xét cấp phép lại.
Liệu với biện pháp 2 năm cấp phép một lần có làm cho những điểm kinh doanh karaoke, vũ trường sẽ lành mạnh hơn, hay đây chỉ là một dạng “không quản được thì… làm khó dễ”, tăng thêm quyền ban phát của ngành chức năng và buộc các chủ kinh doanh phải “biết điều” với người có thẩm quyền cấp phép, hay nói cách khác là tạo thêm điều kiện để tiêu cực sinh sôi? Ai cũng hiểu một thực tế, do bị gán bởi hai chữ “quy hoạch” và “nhạy cảm” mà muốn xin được cấp phép kinh doanh ngành nghề này không phải là điều đơn giản.
Không ít điều tiếng về “chạy” tờ giấy phép karaoke phải mất tiền, thậm chí là rất nhiều tiền, phải nhờ vả cò mối này nọ. Chính những quy định khắt khe của ngành chức năng đã vô tình tạo đất sống cho những kẻ giấu mặt, những cò trung gian làm điều phi pháp. Nay nếu cấp phép 2 năm một lần thì tiêu cực còn như thế nào?
Lâu nay đã có những quy định khắt khe đối với những ngành nghề kinh doanh “nhạy cảm”, nhưng thực tế lại hết sức lỏng lẻo khi nhà nước không có các biện pháp chế tài, xử phạt đến nơi đến chốn. Đúng như bài báo phản ánh, căn cứ Nghị định 158/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, thì các hoạt động vi phạm, biến tướng, lách luật của karaoke, vũ trường không bị chế tài tước giấy phép hay tịch thu tang vật, nên không đủ sức răn đe.
Chắc chắn không ai đồng tình với những mặt trái tệ nạn trong hoạt động kinh doanh của karaoke hay vũ trường và dư luận đòi hỏi phải xử lý thích đáng, thế nhưng “bảo kiếm” lại không nằm trong tay ngành chức năng!
Nên chăng chỉ cần kiến nghị sửa đổi các nghị định, quy chế theo hướng phạt nặng như tịch thu tang vật, tước giấy phép vĩnh viễn đối với những cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường vi phạm. Điều cần làm sau khi cấp phép chính là công tác hậu kiểm. Hậu kiểm tốt sẽ góp phần răn đe, phòng ngừa nảy sinh những vi phạm. Hậu kiểm không tốt, buông lỏng quản lý thì dù có cấp phép 6 tháng một lần cũng chưa chắc ngăn chặn được vi phạm mà chỉ khiến tiêu cực phát sinh.
TRƯƠNG HỮU TÂM (quận 1, TPHCM)