Quy luật... chạy trường

Tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND TPHCM về vấn đề giáo dục, một lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định: “Ở đâu có trường chất lượng cao thì tâm lý người dân đổ xô cho con em theo học là quy luật. TPHCM cũng không nằm ngoài quy luật đó”. Như vậy, theo vị này, chạy trường là vấn đề thuộc về quy luật, không thể tránh khỏi ở nước ta (!?).

Thật ra, không thể cho đó là vấn đề có tính quy luật. Hiện tượng chạy trường trước hết bắt nguồn từ cách làm giáo dục sai lầm của những người có trách nhiệm, trên cơ sở nhận thức lệch lạc về khái niệm kinh tế thị trường, cho rằng cần phải triệt để xóa bao cấp trên mọi lĩnh vực, kể cả giáo dục và y tế. Từ đó, trường công lập tự chủ tài chính ra đời, sau đó biến tướng thành trường chất lượng cao như hiện nay; dẫn đến tình trạng chạy trường ngày càng quyết liệt hơn. Nhưng ai mới có khả năng chạy trường?

Chính xác, đó là những bậc phụ huynh thuộc hạng khá giả, hoặc ít ra mức sống cũng từ cỡ trung lưu trở lên; chứ còn các phụ huynh hộ nghèo, lo cho con cái ăn còn chưa đủ, thử hỏi tiền đâu để đóng học phí với giá cao và nhiều khoản thu khác nữa để con em mình được học ở trường chất lượng cao? Chính sự phân biệt trong cách đầu tư cho các trường đã góp phần làm cho sự phân biệt giàu nghèo ở xã hội ta ngày càng trở nên sâu sắc thêm.

Ở phần lớn các quốc gia trên thế giới, thường chỉ có 2 loại hình trường học: công lập và tư thục, trong đó trường công hầu như được miễn phí hoàn toàn, kể cả không ít các quốc gia giàu có ở châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á… Còn ở nước ta, học sinh các trường công lập trên thực tế đều phải đóng học phí dưới nhiều tên gọi khác nhau, kể cả các trường tiểu học (dù đã được Điều 59 Hiến pháp quy định rõ là không phải trả học phí).

Lẽ ra học sinh phải được hoàn toàn bình đẳng trong việc thụ hưởng một nền giáo dục nhân bản, tiên tiến mà xã hội dành cho các em; sự ưu tiên, nếu có, phải dựa trên cơ sở học lực, tức nỗ lực tự thân của các em, thay vì dựa trên tiền bạc do cha mẹ các em bỏ ra (đóng nhiều tiền sẽ được học ở trường chất lượng cao).

Việc làm này, là phản giáo dục, tất yếu sẽ làm thui chột nhiều nhân tài tương lai của đất nước, học sinh con nhà giàu có nhiều ưu tiên, được học hành đến nơi đến chốn, dễ có vị trí tốt trong xã hội sau này. Ngược lại, con “sãi ở chùa” (nhà nghèo) nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ “quét lá đa”. 

PHAN TRỌNG HIỀN
(Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục