Sau cuộc họp phụ huynh học sinh (PHHS) ngày 14-9, đường dây nóng Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc là PHHS có con đang học tại các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM.
Đại diện PHHS cần khéo hơn
Tụi nhỏ bây giờ học quá nhiều, lúc nào cũng căng thẳng nên phải trang bị đầy đủ mọi điều kiện cần thiết để phục vụ các cháu học tập cho tốt. Một vài triệu đồng đóng góp để con mình có phương tiện học tập cả năm, thậm chí năm này qua năm khác là tốt, sao phải tiếc?
Tuy nhiên, tôi nghĩ đại diện PHHS nên hiểu và khéo léo trong việc thu các khoản tự nguyện. Có thể đưa ra mức quỹ vừa phải, đủ trang trải những thứ thật cần thiết để ai cũng có thể đóng góp, sau đó vận động các PHHS khá giả đóng thêm một cách hoàn toàn tự nguyện. Như vậy những PHHS có hoàn cảnh đời sống khó khăn cũng đỡ vất vả lo toan.
Chị NGUYỄN THỊ MỸ DUYÊN
(18/1 đường số 6, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TPHCM)
Khoản tiền không nhỏ với người lao động
Nuôi dạy một đứa con nên người có rất nhiều khoản phải lo, ngoài tiền ăn học còn có nhiều khoản phát sinh, nên bớt được đồng nào hay đồng đó. Nhiều người cho rằng đóng góp quỹ tự nguyện vài trăm ngàn đồng một năm học, nếu chia ra thì không đáng bao nhiêu. Thế nhưng với những gia đình lao động, đó là chuyện đau đầu.
Đơn cử như gia đình hàng xóm của tôi, thu nhập cả hai vợ chồng được hơn 5 triệu đồng/tháng mà phải lo đủ thứ chi tiêu, nên đầu năm học mới của con là thời điểm khiến họ mất ăn mất ngủ, phải dành dụm từ vài tháng trước để kịp mua đồng phục, giày dép, tập vở..., rồi các khoản phí cho con vào năm học mới, nên vài chục ngàn cũng không hề nhỏ.
Chị PHẠM HỒNG GẤM
(87 đường C3, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM)
PHHS phải đóng góp nhiều quá!
Bây giờ PHHS phải đóng góp nhiều quá! Lớp nào cũng cơ cấu người khá giả, có địa vị xã hội vào ban đại diện PHHS, nên họ đề xuất nhiều khoản thu tự nguyện. Những trường càng ở trung tâm TP, có tiếng tăm một chút thì thu càng cao, kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”. Có những lớp ngoài khoản chi phí vệ sinh, hàng tháng còn buộc PHHS đóng thêm tiền để mỗi tuần hút bụi trong phòng và lau bàn ghế học sinh một lần.
Tôi nghĩ những việc này nên cho trẻ tự làm, để vừa học tập vừa rèn luyện. Lớp 1 thì không nói, nhưng từ lớp 2 trở lên nên để trẻ tự làm vệ sinh phòng học như quét phòng, tự lau bàn ghế chỗ mình ngồi, như vậy trẻ sẽ có ý thức giữ gìn bàn ghế, lớp học sạch sẽ.
Anh ĐẶNG MINH TIẾN
(201/14/1 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM)
Đừng bào mòn kỹ năng sống của trẻ
Nhiều ban đại diện PHHS lớp “vẽ” ra quá nhiều khoản thu, nào trang bị máy lạnh, chậu hoa treo cửa và hành lang, trang trí cửa lớp theo mùa… mỗi thứ từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng, cộng cả tiền bắt buộc và tiền tự nguyện cũng vài triệu đồng khi vừa mới bước vào năm học. Theo tôi, lớp học không nên lắp máy lạnh, ngồi máy lạnh không tốt cho sức khỏe học sinh đã đành, nhiều trẻ ngồi máy lạnh ở lớp quen, về nhà lại không thích nghi được với thời tiết, cứ cằn nhằn ở nhà nóng rồi sinh bực bội.
Còn những đứa trẻ ở nhà quen ngồi máy lạnh, ở lớp cũng ngồi máy lạnh, đi đâu cũng không chịu vì không có máy lạnh, ngay đến nhà bà con cũng hỏi xem có máy lạnh mới tới, không có thì không tới. Thử hỏi trang bị đầy đủ để con trẻ học tập nhưng lại bào mòn kỹ năng sống của trẻ, không để chúng thích nghi với mọi môi trường sống thì sau này ra đời liệu có giúp gì được cho xã hội?
Ông NGUYỄN HỮU PHÚ
(66/68/20B Hoàng Sa, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM)
THU HƯỜNG ghi