Luật pháp các nước đều có cả một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nếu phát hiện hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng, hết hạn sử dụng cho người tiêu dùng, cho dù chưa gây ra thiệt hại cũng sẽ bị xử phạt rất nghiêm. Thiếu ATVSTP có thể hiện tại chưa gây ra các loại bệnh tật nguy hiểm, nhưng về lâu dài có thể tích tụ nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Trong khi đó, ở nước ta, qua hơn 2 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn chưa thực sự được bảo vệ một cách hiệu quả. Thịt thối, phụ gia thực phẩm đã hết hạn, sản phẩm không nhãn mác được bày bán tràn lan trên thị trường, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra. Tất cả những điều đó đã gây ra nhiều nỗi lo lắng và bức xúc trong dư luận.
Điều đáng lưu tâm, hiện nay Nhà nước đã ban hành 50 văn bản luật, nghị định, thông tư quy định cụ thể trách nhiệm về ATVSTP và bảo vệ người tiêu dùng, hiện đang có hiệu lực thi hành nhưng vẫn không ngăn được hành vi vi phạm ATVSTP vẫn diễn ra rất phổ biến, ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Điều đó cũng có nghĩa, luật đã có, chế tài đã có nhưng vẫn chưa đi vào thực tế của cuộc sống để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Trong thực tế, khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, rất ít khi nào nạn nhân khởi kiện đòi quyền lợi, bởi lẽ việc yêu cầu các tổ chức kinh doanh bồi thường thiệt hại không hề đơn giản chút nào. Rất khó xác định chất lượng sản phẩm cũng như những thiệt hại gây ra cho sức khỏe người tiêu dùng. Đó là chưa kể, nếu người tiêu dùng bị thiệt hại muốn khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường quyền lợi chính đáng của mình, sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để theo đuổi vụ kiện đến cùng.
Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước nạn vi phạm về ATVSTP tràn lan hiện nay? Điều đó không đơn giản chỉ là tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người tiêu dùng biết được quyền lợi của mình và thực hiện quyền lợi chính đáng của mình được pháp luật cho phép, mà trước hết phải là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cần thiết phải áp dụng các biện pháp chế tài xử lý nghiêm, phạt nặng, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, mới đủ sức răn đe các hành vi sản xuất kinh doanh bát nháo, xem thường luật pháp, sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
NGUYỄN VĂN
(quận 5, TPHCM)