Điều 43 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Quy định này đặt vấn đề “quyền được sống trong môi trường trong lành” trước khi thực hiện “nghĩa vụ bảo vệ môi trường”, tức là nhà nước phải có trách nhiệm tạo ra một môi trường sống trong lành cho người dân trước khi yêu cầu họ tham gia bảo vệ môi trường.
Song, quyền được sống trong môi trường trong lành thật ra không được thực hiện đầy đủ trong thực tế, mà nhiều trường hợp mang tính ngẫu nhiên, may rủi. Nhiều người phải sống trong một môi trường không trong lành mà không thể khiếu nại, yêu cầu bồi thường gì được. Thậm chí, nếu cảm thấy không hài lòng và chọn nơi khác để sống thì ở nơi mới đó, tình huống cũng có thể lặp lại tương tự. Phải chăng một quyền rất tích cực được quy định trong Hiến pháp không thể thực hiện được trong thực tế?
Một điểm tập kết rác trong khu dân cư trên đường Đàm Thận Huy, quận Tân Phú. Ảnh: T.L
Ở đây, đã đặt ra vấn đề quyền của người dân thì phải hỏi ý kiến của dân và tôn trọng ý kiến đó. Một dự án công nghiệp nói riêng và dự án phát triển kinh tế nói chung dĩ nhiên sẽ có mục tiêu là giải quyết công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hình thành môi trường sống theo hướng công nghiệp, hiện đại, nhưng dự án đó phải bảo đảm sẽ nâng cao chất lượng sống của phần đông người dân sống trong khu vực đó và những người sống ở khu vực có liên quan. Do vậy, người dân vùng quy hoạch dự án cần được biết là khu vực mình đang sống hoặc gần chỗ mình sống sắp tới có một dự án, quy mô thế nào, tác động các mặt ra sao, nhất là các rủi ro. Các thông tin cung cấp cho người dân phải trung thực, chính xác, có căn cứ khoa học rõ ràng; người dân cần được giải thích các thắc mắc chính đáng. Rất cần có quy định thật cụ thể quy mô dự án cỡ nào (về số vốn đầu tư, về số người dân bị ảnh hưởng, về diện tích khu vực bị tác động…) thì bắt buộc phải lấy ý kiến người dân, bắt buộc phải có sự phản biện của các hội đồng khoa học độc lập, của báo chí, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể … theo những quy định phù hợp của luật pháp. Chỉ khi nào có sự đồng thuận của đa số người dân ở nơi đó mới nên triển khai dự án.
Tránh việc chính quyền “ấn” một dự án xuống một khu vực nào đó, rồi lấy lý do phát triển kinh tế - xã hội mà bất chấp ý kiến, nguyện vọng của người dân địa phương. Cần thiết phải cụ thể hóa quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân bằng các điều luật, quy định phù hợp. Có như vậy, một điều khoản rất tiến bộ và tích cực của Hiến pháp mới thực sự trở thành quyền của người dân, và sẽ thiết thực kéo giảm số vụ khiếu nại đông người.
TRỊNH MINH GIANG
(quận Thủ Đức, TPHCM)