Quyền trưng dụng tài sản của CSGT là quy định trái luật

Mặc dù đã có nhiều ý kiến phản biện từ dư luận, nhưng Thông tư 01/2016/TT-BCA do Bộ Công an ban hành vẫn không được chỉnh sửa và vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2016. Thông tư này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT), trong đó cho phép CSGT được quyền trưng dụng tài sản.

Khoản 6 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định cảnh sát giao thông (CSGT) được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật. Chưa vội bàn đến tính thực tiễn hoặc mục đích sâu xa của văn bản này, xét riêng về góc độ pháp lý, thông tư này đã chứa đựng những mâu thuẫn với các văn bản luật, vốn có hiệu lực cao hơn.

Điều 32 Hiến pháp 2013 đã quy định rõ: Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường. Nội dung tương tự cũng được nêu tại Điều 169 Bộ luật Dân sự 2005, trong đó yêu cầu thực hiện việc bồi thường tài sản được trưng thu, trưng dụng phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Các quy định trên cho thấy quyền sở hữu tài sản của cá nhân, pháp nhân được tôn trọng tối đa, mọi hành vi trưng thu, trưng dụng của cơ quan nhà nước phải tuân theo chặt chẽ theo một quy chế luật định.

Quy chế về trưng dụng tài sản hiện hành được quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008. Theo đó, việc trưng dụng tài sản chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia; điều kiện trưng dụng tài sản chỉ áp dụng khi nhà nước đã áp dụng các biện pháp huy động khác mà vẫn không thể thực hiện được. Về thẩm quyền, tại Điều 24 của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, chỉ có những người sau mới có quyền trưng dụng tài sản: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Đặc biệt, luật cũng quy định các chủ thể trên không được ủy quyền cho người khác để quyết định trưng dụng tài sản, nghĩa là kể cả thứ trưởng hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng không có quyền ra quyết định trưng dụng tài sản thay cho cấp thủ trưởng của mình. Trong khi đó, Thông tư 01/2016 của Bộ Công an lại cho phép CSGT trong khi làm nhiệm vụ được quyền thực hiện hành vi trưng dụng tài sản của nhân dân, như vậy là trái với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản - là văn bản có hiệu lực cao hơn.

Do đó, để tránh áp dụng một số quy định trái luật của Thông tư 01/2016 vào cuộc sống, gây ra tình trạng CSGT lạm quyền, vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an nên theo thẩm quyền quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, ra quyết định bãi bỏ thông tư này. Bộ Tư pháp căn cứ vào quyền hạn của mình trong việc kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định bãi bỏ, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quy định của thông tư trái luật này.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục