Ra mắt và bán hàng trực tuyến - Xu hướng mới của các hãng xe

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài, nhiều hãng ô tô đã kịp thích nghi bằng các hình thức ra mắt xe và bán hàng trực tuyến. Mô hình này được xem là “giải pháp chọn” hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Chuyển đổi hình thức, mô hình kinh doanh trực tuyến sẽ là lợi thế lâu dài cho doanh nghiệp trong thời gian tới để thích ứng với công nghiệp 4.0

Thích ứng kịp thời

Tính riêng nửa đầu năm 2021, hơn 30 mẫu xe đã ra mắt tại thị trường Việt Nam, cả mới và cả những bản nâng cấp giữa dòng đời sản phẩm. Tuy nhiên tất cả đều được ra mắt bằng hình thức trực tuyến, tùy theo mức độ đầu tư, sáng tạo của mỗi hãng xe để đưa sản phẩm của mình tới công chúng.

Ra mắt và bán hàng trực tuyến - Xu hướng mới của các hãng xe ảnh 1
Một hình ảnh trong Video công chiếu vào 10 giờ ngày 6-8-2021
Mới đây nhất, mẫu Grand i10 thế hệ hoàn toàn mới từ Liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam (HTV) đã có một ra mắt trực tuyến về xe khá mới lạ khi mang đến sự kết hợp của âm nhạc - vũ đạo - đua xe thể thao qua câu chuyện về giới trẻ. Tiêu đề của chương trình cũng chính là Slogan mới của Grand i10 “Kích hoạt một tôi mới”, trên nền là một bài RAP đựa “thửa” riêng của Rapper trẻ tài năng Gill. Tiêu đề của bài RAP cũng tạo sự tò mò và lôi cuốn khán giả “Lên đây anh cân hết”. Vào thời điểm công chiếu, có tới hơn 9.800 người xem trực tuyến và hơn 250.000 lượt xem sau 1 ngày ra mắt. Và ngay sau khi sản phẩm này được tung ra, tiêu đề bài hát đang được giới trẻ thích thú và cover lại.

Mẫu xe Grand i10 thế hệ hoàn toàn mới đang tạo sức hút mới cho thị trường trong phân khúc A
Ông Trần Huy Hoàng - Giám đốc Truyền thông - Thương hiệu, Liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam, cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp thì việc các hãng xe phải lựa chọn hình thức ra mắt xe trực tuyến là điều tất yếu. Chúng tôi đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều để làm thế nào có thể đưa sản phẩm tới thị trường một cách mới mẻ, sáng tạo nhất. Đặc biệt khi đối tượng chúng tôi đang hướng đến chính là những khách hàng trẻ, năng động, những con người không bao giờ muốn nằm trong một khuôn khổ hay chấp nhận sự nhàm chán”.

“Chúng tôi mong muốn quãng thời gian khán giả, khách hàng xem sản phẩm ra mắt trực tuyến phải thật mới, không chỉ là những thông tin sản phẩm đơn thuần mà đây còn là một sản phẩm giải trí, đáng nhớ. Đúng như tuyên ngôn của mẫu xe Hyundai Grand i10 thế hệ hoàn toàn mới là Kích hoạt một tôi mới”, ông Trần Huy Hoàng chia sẻ thêm.

Trước đó Audi Việt Nam mang đến màn giới thiệu những chiếc Q3, Q7 và A4 mới với thị trường Việt Nam trong một màn ra mắt khá công phu. Ford Việt Nam giới thiệu Ranger lắp ráp trong nước bằng sự kiện trực tuyến quay tại nhà máy của hãng tại Hải Dương.

Theo một thống kê chưa chính thức, tính từ đầu năm 2020 tới nay đã có hơn 100 sự kiện ra mắt trực tuyến lớn nhỏ trên toàn cầu bên cạnh các hoạt động triển lãm quy mô thế giới cũng đã bị hủy. 

Bắt đầu nền tảng thương mại điện tử cho ngành xe

Đầu năm 2021, VinFast ra mắt mô hình mua sắm O2O - từ trên mạng đến cửa hàng (online to offline). Tại website của hãng, khách hàng có thể lựa chọn phiên bản, màu sắc nội, ngoại thất, hình thức thanh toán. Người mua lựa chọn khu vực sinh sống để có gợi ý showroom nơi gần nhất và tiến hành các thủ tục tiếp theo. 

Tiếp nối VinFast, Mercedes Việt Nam hồi giữa tháng 3-2021 cũng lần đầu vận hành giao diện mua sắm xe online. Hãng cho phép khách chọn các mẫu xe kèm trang bị có sẵn, báo giá và kết nối với đại lý khách hàng chọn (có gợi ý).

Tương tự VinFast và Mercedes, Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công cũng triển khai hình thức đặt xe online từ giữa tháng 6-2021. Thời điểm đó hãng chỉ mới áp dụng cho mẫu Santa Fe, hiện có thêm sản phẩm Grand i10 thế hệ hoàn toàn mới cũng lên sàn giao dịch và dự kiến tất cả các mẫu xe Hyundai sẽ được đưa lên sàn giao dịch trong tháng 8, tháng 9 năm nay. Hyundai Thành Công cũng cho phép khách hàng chọn màu xe, phiên bản, hình thức thanh toán và đặt hàng trực tuyến.

Các nền tảng thương mại điện tử hiện tại của 3 hãng trên, khách hàng có thể hình dung một cách tổng quan về cấu hình xe được lựa chọn theo sở thích. Giao diện điện tử với cơ sở dữ liệu được hãng xây dựng sẵn cho phép khách đối chiếu, so sánh cùng lúc nhiều mẫu xe, điều mà khi khách có mặt ở đại lý thường không thể thực hiện. Qua đó khách hàng cũng dễ dàng đưa ra lựa chọn và quyết định sớm.

Giao diện trang thương mại điện tử của Vinfast
Bên cạnh nền tảng công nghệ cũng như thói quen nhu cầu khách hàng đang rất phù hợp để phát triển thương mại điện tử thì đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và không biết bao giờ kết thúc thì việc chuyển đổi hình thức, mô hình kinh doanh trở nên bức thiết hơn. Đích đến cuối cùng của hãng là bán được xe trực tiếp đến khách hàng (D2C) nhằm cắt giảm tối đa các chi phí trung gian. Khi chưa thể, bán xe online như hiện nay là cách để hãng tiến gần và hiểu khách hàng hơn thay vì phụ thuộc vào các đại lý truyền thống.

Tin cùng chuyên mục